Tổn thương động mạch trong chấn thương khung chậu: Đặc điểm hình ảnh và giá trị của cắt lớp vi tính đa dãy
Tổn thương động mạch trong chấn thương khung chậu: Đặc điểm hình ảnh và giá trị của cắt lớp vi tính đa dãy
Trương Quang Đạo1, Nguyễn Duy Hùng1
1 Trường Đại học Y Hà Nội
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Nghiên cứu được tiến hành nhằm đánh giá một số đặc điểm hình ảnh và giá trị của cắt lớp vi tính đa dãy trong chẩn đoán tổn thương động mạch ở các bệnh nhân chấn thương khung chậu. Từ 7/2019 đến 11/2020, 30 bệnh nhân chấn thương khung chậu được chẩn đoán tổn thương động mạch trên cắt lớp vi tính và được điều trị bằng can thiệp chụp mạch số hóa xóa nền tại bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Vị trí, kích thước, hình thái tổn thương động mạch trên cắt lớp vi tính được mô tả. Giá trị của cắt lớp vi tính trong chẩn đoán so với chụp mạch được thu thập và phân tích. Nhánh động mạch thường tổn thương nhất là động mạch thẹn trong và động mạch bịt với tỷ lệ đều là 27,1%. Dạng tổn thương thường gặp nhất là chảy máu hoạt động chiếm 85,1%. Không có sự khác biệt đáng kể về kích thước của chảy máu hoạt động và giả phình động mạch khi so sánh giữa nhóm dương tính và nhóm âm tính trên chụp mạch (p > 0,05). Độ nhạy, độ đặc hiệu, giá trị chẩn đoán dương tính, giá trị chẩn đoán âm tính, độ chính xác của cắt lớp vi tính lần lượt là 85,7%, 64,3%, 87,8%, 60%, 80,4% cho chảy máu hoạt động và 75%, 97,9%, 85,7%, 95,9%, 94,6% cho giả phình động mạch. Cắt lớp vi tính có giá trị chẩn đoán các tổn thương động mạch trong chấn thương khung chậu giúp đưa ra quyết định điều trị can thiệp chụp mạch tiếp theo.
Các tổn thương động mạch do chấn thương khung chậu gây chảy máu và có thể nhanh chóng dẫn đến sốc và tử vong, do đó cần chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.¹ Có 10 – 20% các trường hợp chấn thương khung chậu và lên đến 60% ở các bệnh nhân (BN) huyết động không ổn định có chảy máu động mạch.² Đây là vấn đề chẩn đoán khó khăn vì BN thường có nhiều tổn thương phối hợp. Việc đánh giá và chẩn đoán nhanh các tổn thương động mạch trong chấn thương khung chậu là rất cần thiết, điều đó cho phép thực hiện chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) sau đó để nút mạch cầm máu.3 Chụp cắt lớp vi tính (CLVT) hiện nay đang đóng một vai trò quan trọng trong chẩn đoán chảy máu cấp tính sau chấn thương khung chậu.⁴ Các loại tổn thương động mạch được mô tả trên chụp CLVT bao gồm chảy máu hoạt động (CMHĐ), tắc động mạch, giả phình động mạch (GPĐM), lóc tách và thông động tĩnh mạch. Trong đó tổn thương phổ biến nhất là CMHĐ.