TRẦM CẢM Ở NGƯỜI CAO TUỔI TẠI VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN NĂM 2019

TRẦM CẢM Ở NGƯỜI CAO TUỔI TẠI VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN NĂM 2019

TRẦM CẢM Ở NGƯỜI CAO TUỔI TẠI VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN NĂM 2019
Học viên: Tô Lan Anh
Giáo viên hướng dẫn: PGS.TS. Bùi Thị Tú Quyên
Trong bối cảnh hiện nay có nhiều vấn đề sức khỏe mới nổi, rất cần các bằng chứng cụ thể và cập nhật về tình trạng sức khỏe ở nhóm đối tượng cụ thể để tránh lãng phí các nguồn lực y tế. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy rối loạn trầm cảm là một trong những vấn đề sức khỏe tâm thần hàng đầu ở người cao tuổi (NCT). Ở Việt Nam, chủ đề này còn nhiều khoảng trống: Một số nghiên cứu về chủ đề trầm cảm ở NCT (người từ 60 tuổi trở lên) đã triển khai ở Việt Nam mới dừng lại ở quy mô nhỏ, thành thị hoặc nông thôn, hoặc địa phương cụ thể. Nghiên cứu “Trầm cảm ở người cao tuổi tại Việt Nam và một số yếu tố liên quan năm 2019” được thực hiện nhằm tìm hiểu thực trạng trầm cảm ở NCT Việt Nam và phân tích một số yếu tố liên quan đến trầm cảm ở NCT Việt Nam. Nghiên cứu áp dụng thiết kế cắt ngang có phân tích với dữ liệu đã thu thập từ điều tra “Khả năng đáp ứng của chính sách bảo hiểm y tế với vấn đề già hóa tại Việt Nam”. Nghiên cứu gốc đã hoàn thành thu thập số liệu năm 2019 trên 4.333 người từ 50 tuổi trở lên tại 12 tỉnh/thành phố Việt Nam (mẫu được phân bổ tương ứng với kích cỡ quần thể dân số đích đại diện 6 khu vực địa lý Việt Nam). Ngoài ra học viên đã tìm bổ sung một số chỉ số cấp tỉnh về kinh tế, xã hội từ nguồn niên giám thống kê của Tổng cục Thống kê Việt Nam và áp dụng phương pháp phân tích hồi quy logistic đa tầng nhằm xem xét tác động của bối cảnh xã hội đến vấn đề sức khỏe quan tâm bên cạnh các yếu tố liên quan ở cấp độ cá nhân. Kết quả phân tích trên 2.921 người từ 60 tuổi trở lên cho thấy tỷ lệ trầm cảm ở NCT Việt Nam năm 2019 là 30,6% (theo thang đo GDS-15 ở điểm cắt 5/6). Qua mô hình đa biến, chúng tôi nhận thấy cả yếu tố cấp tỉnh và các yếu tố cấp cá nhân đều góp phần giải thích khả năng trầm cảm ở NCT Việt Nam. Tỷ lệ trầm cảm ở NCT cao hơn ở tỉnh có chỉ số già hóa cao hơn. Các yếu tố cá nhân có liên quan đến trầm cảm ở NCT đa dạng, bao gồm: Về nhân khẩu học: nhóm mới bước vào độ tuổi NCT, tình trạng hôn nhân độc thân/ly dị/ly thân/góa, gia đình có 2 thế hệ là những yếu tố có liên quan đến tình trạng trầm cảm  2
cao hơn; Về tình trạng sức khỏe hiện tại: Các yếu tố thể hiện tình trạng sức khỏe kém bao
gồm: tự đánh giá tình trạng sức khỏe mức yếu; số lượng bệnh được chẩn đoán tăng lên; có
khó khăn về ADL hoặc IADL và số loại khó khăn về chức năng (nghe, nhìn, đi lại, giao
tiếp, tập trung/ghi nhớ) có tương quan thuận với khả năng trầm cảm ở NCT; Về mạng lưới
cộng đồng và xã hội: NCT bị ngược đãi, NCT tự nhận thấy vất vả khi chăm sóc người khác
có tương quan thuận với khả năng trầm cảm; trong khi đó, NCT được tôn trọng ý kiến trong
gia đình, NCT có tham gia hoạt động xã hội có ít khả năng trầm cảm hơn; Về điều kiện
sống: tình trạng kinh tế hộ gia đình kém tương quan thuận với khả năng trầm cảm của NCT.
NCT ở gia đình 2 thế hệ có nguy cơ trầm cảm cao hơn 26% nhóm NCT ở gia đình 1 thế hệ
và cao hơn 37% nhóm NCT ở gia đình có 3 thế hệ trở lên. Cứ mỗi bệnh tăng thêm, nguy
cơ trầm cảm của NCT tăng 1,1 lần. So với nhóm còn lại, NCT bị ngược đãi trong gia đình
có khả năng trầm cảm cao hơn 2,9 lần. NCT đánh giá vất vả khi chăm sóc thành viên gia
đình có khả năng trầm cảm cao hơn 1,4 lần trong khi NCT có tham gia hoạt động xã hội ít
khả năng trầm cảm hơn 3,5 lần.
Từ kết quả trên chúng tôi đưa ra khuyến nghị các chương trình can thiệp sức khỏe
NCT cần chú trọng hơn đến tình trạng trầm cảm, đặc biệt là ở những địa phương có chỉ số
già hóa cao. Nhằm giảm nguy cơ trầm cảm ở NCT cũng như ngăn ngừa các hậu quả do
tình trạng bệnh này gây ra, bên cạnh việc sàng lọc và điều trị sớm trầm cảm, cần thiết lập
mạng lưới cộng đồng, xã hội và gia đình gắn kết với nhu cầu NCT, đáp ứng nhu cầu được
tôn trọng và được xem là người có ích của NCT. Cụ thể, nên khuyến khích NCT tham gia
các hoạt động xã hội phù hợp khả năng và nhu cầu; phòng chống ngược đãi NCT; giảm
gánh nặng chăm sóc người khác cho NCT

Nguồn: https://luanvanyhoc.com

Leave a Comment