Luận văn thạc sĩ Triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng và điều trị các thai phụ doạ đẻ non tại Bệnh viện Phụ Sản Trung Ương
Title: | Triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng và điều trị các thai phụ doạ đẻ non tại Bệnh viện Phụ Sản Trung Ương |
Authors: | Phạm Thị, Oanh |
Advisor: | Trần Danh, Cường |
Keywords: | Doạ đẻ non |
Issue Date: | 26/11/2024 |
Abstract: | Đẻ non đã và đang là một trong những vấn đề y tế được quan tâm hàng đầu ở nước ta cũng như trên toàn thế giới. Chuyển dạ đẻ non thường được khởi đầu bởi tình trạng doạ đẻ non, nếu tình trạng cơn co tử cung xảy ra liên tục sẽ dẫn tới xoá mở cổ tử cung. Theo tiến triển sẽ dẫn tới cuộc chuyển dạ đẻ non thực sự và hậu quả là sự ra đời của sơ sinh non tháng. Nghiên cứu của WHO cho thấy mỗi năm có khoảng 15 triệu trẻ đẻ non ra đời. Tỷ lệ đẻ non trên thế giới ước tính khoảng 11%. Ở những nước châu Âu, nền y tế phát triển hơn, tỷ lệ đẻ non thấp hơn các vùng khác trên thế giới, khoảng 5% trong khi những nước châu Phi có tỷ lệ đẻ non cao nhất, khoảng 18%1. Theo thống kê tại Hoa Kỳ năm 2005, tỉ lệ tử vong sơ sinh chiếm 42/1000 ca đẻ non so với chỉ 5/1000 ca sinh sống nói chung. Trong những ca đẻ rất non (<32 tuần), tử vong trong năm đầu đời là 144/1000 ca sinh sống, so với chỉ 1,8/1000 ca đẻ đủ tháng2. Sơ sinh non tháng có nguy cơ bị bệnh và tử vong cao hơn nhiều so với sơ sinh đủ tháng. Sinh non có thể dẫn tới trẻ sinh ra nhẹ cân, và trẻ sơ sinh nhẹ cân sẽ có những di chứng về thần kinh và rối loạn phát triển như bại não, thiểu năng trí tuệ và rối loạn thị giác, thính giác3. Trẻ đẻ non phải được chăm sóc đặc biệt đòi hỏi tốn nhiều công sức và rất tốn kém. Ngoài ra trẻ đẻ non cũng dễ mắc các bệnh lý như: suy hô hấp, viêm ruột hoại tử, nhiễm trùng huyết… dẫn đến tỷ lệ tử vong cao. Ngay cả khi những trẻ đẻ non sống sót, khi lớn lên có thể có những di chứng chậm phát triển về mặt thể chất và trí tuệ là gánh nặng cho gia đình cũng như xã hội. Do đó, dự phòng và điều trị doạ đẻ non vẫn cần là mối quan tâm hàng đầu của các bác sĩ sản khoa. Trên thực tế lâm sàng, chẩn đoán sớm doạ đẻ non vẫn gặp rất nhiều khó khăn vì ở giai đoạn đầu các triệu chứng lâm sàng thường không rõ ràng, do vậy người ta khó tránh khỏi những trường hợp điều trị thuốc giảm co và corticoid không cần thiết do chẩn đoán không chính xác. Bên cạnh đó lại bỏ sót những trường hợp doạ đẻ non thực sự dẫn tới không thể can thiệp hoặc điều trị muộn khiến cho việc giữ thai không còn hiệu quả. Với sự phát triển của y học, hiện nay có nhiều phương tiện kỹ thuật và các các phương pháp khác nhau để dự báo nguy cơ cũng như chẩn đoán dọa đẻ non, nhiều thuốc được nghiên cứu để ngăn chặn cơn co tử cung và dự phòng dọa đẻ non tái phát. Tuy nhiên tại Việt Nam, tỷ lệ đẻ non vẫn ở mức khá cao trong những năm đây. Theo báo cáo của Bộ y tế, năm 2011, tỉ lệ trẻ sinh non/nhẹ cân chiếm 19% trong mô hình bệnh tật của trẻ sơ sinh và chiếm tới 25% trong số các nguyên nhân gây tử vong ở trẻ sơ sinh4. Chính vì vậy chẩn đoán và điều trị dọa đẻ non vẫn luôn là thách thức đối với ngành sản khoa thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng. Bệnh viện Phụ sản Trung Ương là bệnh viện tuyến đầu ngành khu vực phía Bắc về sản phụ khoa nói chung cũng như trong việc chăm sóc và điều trị cho các thai phụ doạ đẻ non nói riêng. Tuy nhiên tới nay vẫn chưa có nghiên cứu nào đánh giá về các triệu chứng và điều trị doạ đẻ non được tiến hành tại bệnh viện. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, chúng tôi thực hiện đề tài: “Triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng và điều trị các thai phụ dọa đẻ non tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương” nhằm 2 mục tiêu sau: 1. Mô tả triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng ở các thai phụ dọa đẻ non được điều trị tại Bệnh viện phụ sản Trung Ương năm 2023 – 2024 2. Nhận xét kết quả điều trị dọa đẻ non của các thai phụ trên. 2.1Đối tượng nghiên cứu Các thai phụ được chẩn đoán và điều trị dọa đẻ non tại Bệnh viện Phụ sản Trung Ương (từ 01/10/2023 đến 31/03/2024) 2.1.1. Tiêu chuẩn chọn mẫu nghiên cứu – Tuổi thai từ 22 tuần 0 ngày đến 36 tuần 6 ngày – Có thai sống trong buồng tử cung (đơn thai hoặc đa thai) – Được chẩn đoán dọa đẻ non với các dấu hiệu sau: + Thai phụ đau bụng cơn + Ra máu, ra nước hoặc nhầy hồng âm đạo. + Cơn co tử cung: có 1-2 cơn trong 10 phút (trên lâm sàng hoặc trên monitoring sản khoa) + Cổ tử cung đóng kín hoặc xóa mở £ 2 cm 2.1.2. Các tiêu chuẩn loại trừ – Không tính chính xác được tuổi thai – Bất thường về phần phụ của thai: rau bong non, rau tiền đạo, ối đã vỡ – Thai bệnh lý: thai dị dạng không thể sống được, thai chết lưu, thai suy,… – Mẹ mắc các bệnh lý nguy hiểm tính mạng như suy tim, THA kịch phát, suy thận… 2.2. Phương pháp nghiên cứu Nghiên cứu được tiến hành theo phương pháp nghiên cứu mô tả tiến cứu KẾT LUẬN Nghiên cứu về lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả điều trị doạ đẻ non của 129 thai phụ tại bệnh viện Phụ sản Trung ương, chúng tôi rút ra một số kết luận như sau: 1. Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của các đối tượng nghiên cứu Phần lớn các thai phụ nhập viện điều trị doạ đẻ non có tuổi thai từ 22 đến 27 tuần 6 ngày chiếm 40,3%. Triệu chứng cơ năng thường gặp nhất là đau bụng, xuất hiện ở 82,9% số thai phụ. Những thai phụ trong nghiên cứu có cơn co tử cung tần số 1 là chủ yếu chiếm 69% và đa số có cổ tử cung mở < 2 cm. Nhóm thai phụ có chiều dài cổ tử cung ≤ 25mm trên siêu âm ngả âm đạo chiếm 82,9%. 2. Kết quả điều trị – Tỷ lệ giữ thai thành công sau 48 giờ (tỷ lệ điều trị thành công) là 76,7% – Thời gian kéo dài tuổi thai sau 7 ngày chiếm tỷ lệ là 62%, sau 14 ngày là 48,1%. – Tỷ lệ sử dụng thuốc giảm co trong điều trị doạ đẻ non là 81,4%, Tractocile gần như là lựa chọn đầu tay để cắt cơn co tử cung, với tỷ lệ sử dụng là 97,1%. |
URI: | |
Appears in Collections: | Luận văn thạc sĩ |
Chuyên mục: luận văn thạc sĩ y học
Nguồn: https://dulieuso.hmu.edu.vn