TỶ LỆ VÀ CÁC ĐẶC ĐIỂM CỦA HỘI CHỨNG CHUYỂN HÓA Ở BỆNH NHÂN ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ NGƯỜI XƠ ĐĂNG ĐẾN KHÁM TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH KON TUM
TỶ LỆ VÀ CÁC ĐẶC ĐIỂM CỦA HỘI CHỨNG CHUYỂN HÓA Ở BỆNH NHÂN ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ NGƯỜI XƠ ĐĂNG ĐẾN KHÁM TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH KON TUM
Lê Hữu Lợi1, Nguyễn Quang Thiều1
Cao Bá Lợi2, Phan Hướng Dương1
TÓM TẮT
Hội chứng chuyển hóa (HCCH) là rối loạn thường gặp và có nhiều đặc điểm khác nhau tùy theo điều kiện kinh tế-xã hội, lối sống. Mục tiêu: Xác định tỷ lệ và đặc điểm HCCH ở bệnh nhân (BN) dân tộc thiểu số người Xơ Đăng đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum (2018 – 2019). Đối tượng và phương pháp: Mô tả cắt ngang, chẩn đoán HCCH theo đồng thuận Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế/Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (International Diabetes Federation/American Heart Association – IDF/AHA trên 261 BN đồng bào dân tộc thiểu số người Xơ Đăng đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum. Kết quả: Qua nghiên cứu, cho thấy tỷ lệ HCCH chung là 27,59%; trong đó, tỷ lệ HCCH có 3 thành phần 34,72%, 4 thành phần 41,67%, 5 thành phần 23,61%. Các rối loạn gặp ở người Xơ Đăng có HCCH theo thứ tự giảm dần là tăng triglyceride (94,44%), tăng vòng bụng (91,67%), tăng glucose máu (83,33%), tăng huyết áp (68,06%), giảm HDL-C (51,39%). Người Xơ Đăng là nữ (OR = 3,411; 95%CI = 1,761 – 6,606; p < 0,001), uống rượu (OR = 4,398; 95%CI = 2,243 – 8,624; p < 0,001) có nguy cơ mắc HCCH cao hơn. Kết luận: Tỷ lệ HCCH ở BN dân tộc thiểu số người Xơ Đăng là 27,59%; trong đó, tỷ lệ HCCH 4 thành phần chiếm tỷ lệ cao nhất (41,67%). Giới tính nữ, uống rượu có nguy cơ mắc HCCH cao ở người Xơ Đăng.
Hội chứng chuyển hóa là hội chứng gồm nhiều rối loạn như béo phì, tăng huyết áp (THA), rối loạn chuyển hóa glucid, lipid. Với sự thay đổi các điều kiện kinh tế, xã hội và lối sống của con người trong xã hội hiện đại, tỷ lệ mắc HCCH gia tăng ngày càng mạnh mẽ trên thế giới, đặc biệt ở các nước đang phát triển. HCCH có liên quan đến nhiều bệnh mãn tính và là một trong những bệnh không lây nhiễm, được quan tâm hàng đầu trên thế giới và Việt Nam. Cơ chế bệnh sinh chưa rõ ràng nhưng sự xuất hiện, phát triển của HCCH được cho là có liên quan tới cả yếu tố di truyền và lối sống. Một số nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy các dân tộc khác nhau có tỷ lệ và yếu tố nguy cơ mắc HCCH khác nhau [6]. Tại Việt Nam đã có một số nghiên cứu về HCCH, chủ yếu trên cộng đồng người Kinh ở các thành phố lớn, khu vực đồng bằng miền Bắc hay miền Nam [11]. Tại Kon Tum, đặc điểm HCCH ở cán bộ trung cao đã được Lê Hữu Lợi và CS nghiên cứu năm2017 [2]; tuy nhiên, các nghiên cứu ở cộng đồng các dân tộc thiểu số còn ít [3]. Với xu hướng gia tăng HCCH trên thế giới và Việt Nam gần đây rất cần các nghiên cứu về HCCH ở các dân tộc khác nhau, đặc biệt là cộng đồng các dân tộc thiểu số. Vì vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu nhằm: Xác định tỷ lệ và đặc điểm HCCH ở BN đồng bào dân tộc thiểu số người Xơ Đăng, một trong những dân tộc thiểu số định cư lâu đời ở Kon Tum, một tỉnh miền núi khu vực bắc Tây Nguyên
Nguồn: https://luanvanyhoc.com