Xác định tỷ lệ và yếu tố tiên lượng tái thông vô ích của lấy huyết khối tuần hoàn trước
Xác định tỷ lệ và yếu tố tiên lượng tái thông vô ích của lấy huyết khối tuần hoàn trước
Nguyễn Hữu An, Vũ Đăng Lưu, Mai Duy Tôn
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Hiện tượng tái thông vô ích được định nghĩa là đầu ra lâm sàng kém (mRS ≥ 3) tại thời điểm 3 tháng mặc dù được tái thông thành công (mTICI 2b-3) thì hiện chưa được đánh giá nhiều ở Việt Nam. Bởi vậy, chúng tôi tiến hành một nghiên cứu mô tả, đơn trung tâm tại Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 12 năm 2020 tới tháng 2 năm 2022 để bước đầu xác định tỷ lệ và các yếu tố tiên lượng của hiện tượng này. Mẫu nghiên cứu gồm có 80 bệnh nhân có đột quỵ cấp do tắc động mạch lớn tuần hoàn trước trong vòng 4,5 giờ đã được can thiệp lấy huyết khối có hoặc không kèm tiêu huyết khối tĩnh mạch. Đặc điểm mẫu gồm 50 nam (62,5%) và 30 nữ (37,5%); trung vị tuổi 65,5 (IQR, 59 – 74); trung vị điểm NIHSS ban đầu 12 (IQR, 10 – 16); trung vị điểm ASPECTS ban đầu 7 (IQR, 7 – 8); 50% bệnh nhân dùng tiêu huyết khối phối hợp. Tái thông thành công đạt được ở 72 bệnh nhân (90%), trong đó tái thông vô ích gặp ở 24 trường hợp (chiếm 33,3%). Tuổi cao (> 70 tuổi), điểm NIHSS ban đầu cao (> 14 điểm) và số lần lấy huyết khối nhiều (> 2 lần) là các yếu tố tiên lượng độc lập của tái thông vô ích.
Đột quỵ là một bệnh lý ngày càng được quan tâm do nguy cơ gây tử vong, tàn tật hàng đầu trên thế giới và tại Việt Nam.1 Đột quỵ thiếu máu não là thể bệnh chiếm chủ yếu (khoảng 85%) so với đột quỵ chảy máu não (khoảng 15%).1 Trong vòng 30 năm gần đây, y học đã có nhiều bước tiến đáng kể để phát hiện các yếu tố nguy cơ giúp dự phòng cũng như phát triển các phương pháp điều trị hiệu quả hơn cho bệnh lý này.Bước tiến đầu tiên trong điều trị đột quỵ thiếu máu cấp là sự chứng minh tính hiệu quả của thuốc tiêu huyết khối (THK) đường tĩnh mạch (Alteplase) vào năm 1995.2 Bước tiến thứ hai trong điều trị đột quỵ thiếu máu là sự chứng minh tính hiệu quả của can thiệp lấy huyết khối cơ học (LHK) cho đột quỵ tắc mạch lớn vào năm 2015.3-7Để đạt được hiệu quả cao khi tiến hành điều trị đột quỵ thiếu máu não bằng các phương pháp điều trị tái tưới máu thì việc chọn lựa bệnh nhân trước điều trị là đặc biệt quan trọng.8 Một sự lựa chọn bệnh nhân kỹ càng trước điều trị là cần thiết để tránh tiến hành một can thiệp điều trị tốn kém về mặt kinh phí mà lại không thay đổi được kết cục đầu ra lâm sàng cuối cùng.Trên thực tế, mặc dù đã được lựa chọn để tối ưu hoá kết quả tái thông mạch thì vẫn có một tỷ lệ không nhỏ bệnh nhân được tái thông mạch thành công nhưng vẫn có đầu ra lâm sàng kém tại thời điểm 3 tháng (điểm Rankin sửa đổi-mRS ≥ 3). Hiện tượng này được gọi là tái thông vô ích (futile recanalization), ước tính khoảng từ 29% tới 67% trong 5 thử nghiệm lâm sàng LHK then chốt năm 2015.
Nguồn: https://luanvanyhoc.com