CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA NGƯỜI BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH ĐIỀU TRỊ NGOẠI TRÚ TẠI BỆNH VIỆN PHỔI HÀ NỘI NĂM 2020
CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA NGƯỜI BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH ĐIỀU TRỊ NGOẠI TRÚ TẠI BỆNH VIỆN PHỔI HÀ NỘI NĂM 2020
Học viên: Lê Thị Vân
Giáo viên hướng dẫn: PGS.TS. Nguyễn Văn Hưng
Nghiên cứu này được tiến hành nhằm mục đích tìm hiểu chất lượng cuộc sống (CLCS) và một số yếu tố liên quan của người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Phổi Hà Nội năm 2020. Nghiên cứu cắt ngang phân tích, tích hợp định lượng và định tính, thực hiện trên 234 người bệnh BPTNMT điều trị ngoại trú tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phổi Hà Nội trong khoảng thời gian từ tháng 02-05/2020 bằng bộ câu hỏi đánh giá triệu chứng hô hấp Saint George dành cho người bệnh BPTNMT (SGRQ-C). Tất cả các bệnh nhân khi tới khoa khám bệnh trong khoảng thời gian đó được khám và chẩn đoán xác định là BPTNMT, đáp ứng tiêu chí chọn mẫu được mời tham gia nghiên cứu trả lời bộ câu hỏi phỏng vấn trực tiếp, tự điền bộ SGRQ-C và hồ sơ bệnh án của họ cũng được tiếp cận. Nghiên cứu định tính sử dụng hình thức chọn mẫu chủ đích và ngẫu nhiên hệ thống để thực hiện phỏng vấn sâu.
Kết quả nghiên cứu trên 234 người bệnh BPNTMT đưa ra điểm SGRQ-C chung là 46,2±17,8 và theo ba cấu phần triệu chứng, hoạt động, tác động lần lượt là 50,7± 19,0; 46,6±16,8; 44,0±22,8. Bộ công cụ SGRQ-C được thiết kế thang điểm từ 0 đến 100 điểm, điểm càng cao thì chứng tỏ người bệnh càng bị tác động của bệnh BPTNMT nên tình trạng sức khỏe càng kém hay CLCS càng thấp. Kết quả của nghiên cứu đã cho thấy quần thể người bệnh có CLCS trung bình so với phát hiện của các nghiên cứu trước đây.
Nghiên cứu chỉ ra một số yếu tố có mối liên quan với CLCS và tác động nhiều là trạng thái làm việc, tập thể dục, mức độ tắc nghẽn, số năm mắc bệnh BPTNMT, tiền sử nhập viện điều trị bệnh BPTNMT, sử dụng liệu pháp oxi tại nhà, có các triệu chứng của mũi, chăm sóc thể chất từ gia đình và được hỗ trợ tâm lý của nhân viên y tế. Trong các yếu tố này thì có yếu tố nhận được chăm sóc thể chất từ gia đình và trạng thái làm việc là có mối liên quan nghịch, nhóm người bệnh nhận được chăm sóc thì có CLCS thấp hơn nhóm không nhận được chăm sóc, nhóm người bệnh không đi làm có CLCS thấp hơn nhóm đang đi làm.
Từ các phát hiện, nghiên cứu đề xuất một số khuyến nghị nhằm nâng cao CLCS cho người bệnh BPTNMT tới người bệnh, người nhà người bệnh, bác sĩ điều trị và bệnh viện Phổi Hà Nội cần có các giải pháp để người bệnh duy trì chế độ tập thể dục phù hợp, có chế độ dinh dưỡng tốt để có BMI từ 18,5 kg/m2 trở lên, phòng đợt cấp theo chỉ dẫn của thầy thuốc để hạn chế tối đa xuất hiện đợt cấp và phải nhập viện điều trị. Phòng và tránh các tác nhân gây ra các triệu chứng của mũi, quan tâm nhiều hơn đến những người bệnh mắc bệnh BPTNMT nhiều năm. Tuân thủ điều trị tốt để mức độ tắc nghẽn của BPTNMT không nặng lên nhằm phòng tránh việc phải sử dụng liệupháp oxi tại nhà, kêu gọi các nguồn hỗ trợ kinh phí cho quá trình điều trị của người bệnh
Nguồn: https://luanvanyhoc.com