Chất lượng cuộc sống và một số yếu tố liên quan ở người bệnh suy thận mạn lọc máu chu kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp trong đại dịch Covid-19
Chất lượng cuộc sống và một số yếu tố liên quan ở người bệnh suy thận mạn lọc máu chu kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp trong đại dịch Covid-19
Phan Thị Dung, Đỗ Thị Ngọc Thục
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Mục tiêu: Khảo sát chất lượng cuộc sống và một số yếu tố liên quan ở người bệnh suy thận mạn lọc máu chu kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp. Phương pháp: Thiết kế nghiên cứu mô tả cắt ngang, đã được thực hiện từ tháng 2 đến tháng 10 năm 2020 trên toàn bộ 201 người bệnh. Kết quả: nghiên cứu 201 người bệnh cho thấy: Chất lượng cuộc sống của người bệnh suy thận mạn ở mức độ trung bình (mean= 50.2, SD= 15.0). Trong đó, giới hạn vai trò do vấn đề cảm xúc ở mức cao nhất (mean= 80.3, SD= 37.9); sức khỏe tổng thể ở mức thấp nhất (mean= 39.6, SD= 19.3). Chất lượng cuộc sống của người bệnh suy thận mạn có mối tương quan với năng lực sức khỏe, dinh dưỡng, chế độ ăn lành mạnh, sức khỏe tâm thần, thực hành phòng dịch COVID-19. Kết luận: Chất lượng cuộc sống của người bệnh suy thận mạn ở mức độ trung bình. Có mối tương quan giữa chất lượng cuộc sống của người bệnh suy thận mạn với năng lực sức khỏe, dinh dưỡng, chế độ ăn lành mạnh, sức khỏe tâm thần và thực hành phòng dịch COVID-19.
Bệnh thận mạn giai đoạn cuối (BTMGĐC) là bệnh lý suy giảm dần và không hồi phục chức năng thận do nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo thống kê ở Mỹ năm 2007 có khoảng 26 triệu người mắc bệnh thận mạn chiếm tỷ lệ khoảng 13,1% và khoảng 1400/1 triệu người mắc BTMGĐC.8 Tại Pháp mỗi năm có khoảng 4800 đến 6000 ca mới mắc BTMGĐC,4 ở Nhật Bản và Đài Loan là khoảng gần 2400 ca.1Người ta dự báo cứ một người bệnh được điều trị thay thế thận thì có tới 100 người đang mắc bệnh thận mạn ở các giai đoạn khác nhau.1Tại Việt Nam ước tính có khoảng 8 triệu người mắc bệnh thận mạn, chiếm khoảng 10% dân số, trong đó 3,1% đến 3,6% bệnh thận mạn tiến triển từ giai đoạn III đến giai đoạn V6.Sự bùng phát của bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus coronavirus mới (COVID-19) được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 12 năm 2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc.5 COVID-19 đã lan rộng đến nhiều quốc gia đang phát triển và được công nhận là mối quan tâm về sức khỏe toàn cầu, khiến các tổ chức y tế công cộng toàn cầu phải cảnh giác cao.7 Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng khẩn cấp COVID-19 là trường hợp khẩn cấp y tế công cộng thứ sáu được quốc tế quan tâm vào ngày 30 tháng 1 năm 202.11 Theo báo cáo vào ngày 24 tháng 3 năm 2020, tổng số người được chẩn đoán mắc COVID-19 là 372.757 trường hợp, với 16.231 trường hợp tử vong ở 170 quốc gia/khu vực; Trong số này, 123 trường hợp đã được báo cáo tại Việt Nam.3 COVID-19 đã chính thức được tuyên bố là đại dịch bởi WHO vào ngày 11 tháng 3 năm 2020.
https://thuvieny.com/chat-luong-cuoc-song-va-mot-so-yeu-to-lien-quan-o-nguoi-benh-suy-than-man-loc-mau-chu-ky/