Đặc điểm lâm sàng chất lượng giấc ngủ ở bệnh nhân cao tuổi tăng huyết áp
Đặc điểm lâm sàng chất lượng giấc ngủ ở bệnh nhân cao tuổi tăng huyết áp
Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Thắng, Vũ Sơn Tùng, Lý Lan Chi, Nguyễn Thị Kim Xuyến, Dương Huỳnh Phương Nghi, Triệu Hữu Tín, Néang Chanh Ty, Kim Thị Ngọc Yến, Nguyễn Văn Thống
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Rối loạn giấc ngủ là nguyên nhân quan trọng làm giảm khả năng kiểm soát huyết áp và là yếu tố dự báo về trầm cảm và ý định tự sát ở người cao tuổi. Để có được cái nhìn tổng quát về đặc điểm lâm sàng chất lượng giấc ngủ, một khảo sát cắt ngang được thực hiện dựa trên theo thang đo PSQI cho 306 bệnh nhân nội trú. Tuổi trung bình của đối tượng nghiên cứu là 75,26 ± 8,44 tuổi, nữ giới chiếm 70,3%. Tỷ lệ chất lượng giấc ngủ kém là 83,3%. Về lâm sàng, thời lượng ngủ trung bình của bệnh nhân là 5,0 ± 1,9 giờ mỗi đêm, hiệu quả giấc ngủ dưới 65% chiếm 45,8%. Các vấn đề phổ biến gây gián đoạn giấc ngủ là tỉnh dậy lúc nửa đêm (92,5%), thức dậy đi vệ sinh (92,2%), không thể ngủ được trong vòng 30 phút (88,2%) và khoảng ½ bệnh nhân gặp rối loạn chức năng ban ngày. Các bác sỹ lâm sàng cần tầm soát, điều trị rối loạn giấc ngủ bên cạnh kiểm soát tốt huyết áp, nhằm nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho bệnh nhân.
Tăng huyết áp là một tình trạng bệnh lý phổ biến. Trên toàn cầu, ước tính có khoảng 1,39 tỷ người mắc tăng huyết áp, tỷ lệ tăng huyết áp từ 28,5% ở các nước có thu nhập cao đến 31,5% ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.¹ Trong đó, tăng huyết áp ở người cao tuổi (≥ 65 tuổi) chiếm khoảng 37,4%.² Kiểm soát huyết áp là một mục tiêu quan trọng trong quản lý bệnh tăng huyết áp để làm giảm nguy cơ của các biến chứng tim mạch. Giấc ngủ kém là một nguyên nhân quan trọng làm giảm khả năng kiểm soát huyết áp ở người cao tuổi mắc tăng huyết áp, ngay cả khi đã điều chỉnh các nguy cơ đã biết của tăng huyết áp.³ Rối loạn giấc ngủ là vấn đề nghiêm trọng của người cao tuổi. Các rối loạn giấc ngủ gây ra một số ảnh hưởng tiêu cực như: buồn ngủ vào ban ngày, mệt mỏi và suy giảm nhận thức, tăng nguy cơ té ngã và gãy xương, tăng tỷ lệ tai nạn và tử vong, giảm chất lượng cuộc sống, sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần. Đặc biệt, chất lượng giấc ngủ kém là yếu tố dự báo về ý định tự tử, các triệu chứng trầm cảm của người cao tuổi.4,5 Ở bệnh nhân tăng huyết áp, tỷ lệ than phiền về chất lượng giấc ngủ kém dao động từ 14,9% đến 85,7%.4,6 Rối loạn giấc ngủ, đặc biệt là ngủ ít gây ra tăng huyết áp vào buổi sáng góp phần vào tăng tỷ lệ bệnh tim.
Đặc điểm lâm sàng chất lượng giấc ngủ ở bệnh nhân cao tuổi tăng huyết áp