ĐÁNH GIÁ ĐIỀU TRỊ KHE HỞ VÒM MIỆNG TẠI BỆNH VIỆN SẢN-NHI TỈNH QUẢNG NGÃI
ĐÁNH GIÁ ĐIỀU TRỊ KHE HỞ VÒM MIỆNG TẠI BỆNH VIỆN SẢN-NHI TỈNH QUẢNG NGÃI
Huỳnh Thị Lệ Châu1, Nguyễn Đình Tuyến1
1 Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh Quảng Ngãi
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Đặt vấn đề: Khe hở vòm miệng (KHVM) là dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt làm tách rời cấu trúc vòm miệng bao gồm xương vòm miệng, khối cơ nâng vòm hầu, cơ căng màn hầu và niêm mạc. KHVM tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây ra những khó khăn trong ăn uống, giao tiếp. Trong điều trị KHVM cần phải có kế hoạch điều trị toàn diện từ lúc trẻ được sinh ra đến khi trưởng thành với sự phối hợp của nhiều chuyên khoa. Cho đến nay, chưa có đề tài nghiên cứu về điều trị KHVM tại Quảng Ngãi. Mục tiêu: Mô tả đặc điểm lâm sàng và đánh giá kết quả phẫu thuật của người bệnh KHVM điều trị tại Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Quảng Ngãi. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu lâm sàng mô tả, tiến cứu và theo dõi dọc thực hiện trên 32 người bệnh bị KHVM bẩm sinh được khám và điều trị phẫu thuật tại Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian từ 01/2021 đến 08/2021. Kết quả: Đặc điểm lâm sàng: gồm 32 người bệnh khe hở vòm miệng 23 nam, 09 nữ, tuổi hay gặp 12-24 tháng. Lý do vào viện do nói ngọng chiếm tỷ lệ 56,2% (18/32), sặc khi ăn uống 43,8% (14/32). Sâu răng trên 2 răng chiếm 40,6%. Người mẹ bị ốm đau trong ba tháng đầu mang thai có con KHVM chiếm 34,4% (11/34). Khe hở vòm miệng toàn bộ bên phải chiếm tỷ lệ cao nhất 40,6% (13/32), bên trái 18,8% (6/32), KHVM mềm cứng 31,3% (10/32); khe hở vòm miệng kết hợp khe hở môi là 62,5% (20/32). Chiều rộng của khe hở vòm miệng ở vị trí gai mũi sau trung bình 16,1±3,4 mm. Chiều dài vòm mềm trung bình trước và sau mổ lần lượt là 20,84±3,44 mm và 29,13±3,24 mm tăng được 39,78%. Thời gian phẫu thuật trung bình 85,47±8,17 phút. Kết quả phẫu thuật: Kết quả tốt sau mổ đạt 96,6% (31/32), 01 trường hợp bục chỉ vết mổ. Tái khám sau 2 tháng, vết mổ tốt chiếm 90,6%; và 9,45% (3/32) người bệnh có lỗ thông mũi miệng. Kết luận: Đặc điểm lâm sàng thường gặp gồm khe hở vòm miệng toàn bộ bên phải, bên trái, khe hở vòm miệng mềm cứng, khe hở vòm miệng kết hợp với khe hở môi. Phẫu thuật KHVM tại bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi đạt kết quả khả quan, thời gian mổ chấp nhận được. Tái khám sau 2 tháng vết mổ tốt chiếm 90,6% (29/32);
Khe hở vòm miệng là dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt làm tách rời cấu trúc vòm miệng bao gồm xương vòm miệng, khối cơ nâng vòm hầu, cơ căng màn hầu và niêm mạc. KHVM có thể kết hợp với khe hở môi hoặc chỉ có KHVM đơn thuần. Khe hở môi –vòm miệng gặp với tỷ lệ khá cao. Với tỷ lệ 1,41/1000 trẻ bị KHM-VM thì tương đương với 1 trẻ dị tật/709 trẻ sơ sinh, phản ánh tình hình dị tật KHM-VM ở Việt Nam khá cao so với các nước khác trên thế giới [7]. Trên thế giới cũng như tại Việt Nam đã có rất nhiều phương pháp phẫu thuật KHVM được sử dụng như: Langenbeck, Furlow, Veau –Wardill –Kilner (V-Y push back), chuyển vạt cơ. Mỗi phương pháp được sử dụng trên một loại KHVM cho phù hợp và có ưu nhược điểm riêng. Mục tiêu cuối cùng là đóng kín khe hở,đẩy lùi được vòm miệng ra sau, tạo sự liên tục của các cơ vòm miệng, thu hẹp được họng giữa mà lại ít ảnh hưởng tới sự phát triển của xương hàm trên. Các kết quả của những nghiên cứu sử dụng các phương pháp phẫu thuật khác nhau nhưng đều cho thấy tỷ lệ đóng kín KHVM cao trên 90%[3][5]. Tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu của Nguyễn Văn Đẩu[9]tại bệnh viện Nhi đồng Icho thấy tỷ lệ đẩy lùi vòm miệng mềm là 98%, thu hẹp eo họng 98%, và đẩy lùi vòm miệng mềm chiếm 97%. Nghiên cứu khác cho thấy tình trạng thoát khí mũi giảm đi hơn 50% sau phẫu thuật, không nhận thấy có nhiều biến chứng hay nhiễm trùng hậu phẫu[8]. KHVM tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây ra những khó khăn trong ăn uống, giao tiếp.Trong điều trị KHVM cần phải có kế hoạch điều trị toàn diện từ lúc trẻ được sinh ra đến khi trưởng thành với sự phối hợp của nhiều chuyên khoa. Cho đến nay, chưa có đề tài nghiên cứu về điều trị KHVM tại tỉnh Quảng Ngãi. Xuất phát từ những lý do trên, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài này. Từ đó giải quyết số lượng bệnh nhân KHVM tại tỉnh nhà, giảm tải cho tuyến trên, giảm chi phí điều trị cho người bệnh.Mục tiêu nghiên cứu1. Mô tả đặc điểm lâm sàng của người bệnh khe hở vòm miệng tại Bệnh viện Sản –Nhi tỉnh Quảng Ngãi.2. Đánh giá kết quả của phẫu thuật khe hở vòm miệng ở đối tượng nghiên cứu
Chi tiết bài viết
Từ khóa
Khe hở vòm miệng, Dị tật vùng hàm mặt, Sứt môi, Điều trị khe hở vòm miêng, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh Quảng Ngãi
Tài liệu tham khảo
1. Mosaad A (2017), “Comparative study between V-Y pushback technique and Furlow technique in cleft soft palate repair”, Eur J Plast Surg, pp. 462-482.
2. Phumzile H (2019), “Epidemiology and clinical profile of individuals with cleft lip and palate utilising specialised academic treatment centres in South Africa”, PLoS One, pp.5-16.
3. Hadal K, Mustafa S (2018), “The role of intravelar veloplasty in primary cleft palate repair”, Zanco J. Med. Sc, pp.47-69.
4. Chuxian L (2019), “Varying width ratio patterns of posterior hard palate cleft to posterior maxillary tuberosity plane in cleft palate”, Xi Kou Qiang Yi Xue Za Zhi, pp.3-4.
5. Jayarajan R (2018),“Intravelar veloplasty: A review”, Cleft Lip Palate Craniofac Anomal, pp.68-73.
6. Phạm Dương Châu (2012), “Đánh giá kết quả phẫu thuật khe hở vòm miệng hai bên bẩm sinh theo phương pháp đẩy lùi vòm miệng(Push back) tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung Ương”, Tạp chí Y học thực hành, tr.830.
7. Phan Quốc Dũng, Hoàng Tử Hùng (2007), “Tình hình dị tật khe hở môi và hàm ếch bẩm sinh tại bệnh viện Từ Dũ và Hùng Vương”, Tuyển tập công trình nghiên cứu Y học răng hàm mặt, tr.93-100.
8. Trương Mạnh Dũng, Nguyễn Thanh Hòa (2007), “Nghiên cứu các hình thái lâm sàng dị tật khe hở môi – vòm miệng ở trẻ sơ sinh tại thành phố Cần Thơ 2001 -2005”, Tạp chí Y học thực hành, tr.589- 590.
9. Nguyễn Văn Đẩu (2020), “Phẫu thuật khe hở vòm khẩu cái theo phương pháp Push- Back”, Phác đồ điều trị Nhi khoa 2 Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhà xuất bản Y học, tr.501- 509.
10. Phạm Thanh Hải (2012), “Nghiên cứu đặc điểm dị tật bẩm sinh khe hở môi – vòm miệng và thể lực của trẻ em tại bệnh viện Đại Học Y Hải Phòng”, Tạp chí Y học thực hành, tr.807.
Nguồn: https://luanvanyhoc.com