Đánh giá kết quả tạo hình khuyết phần mềm bàn tay bằng vạt đùi trước ngoài mỏng tự do
Đánh giá kết quả tạo hình khuyết phần mềm bàn tay bằng vạt đùi trước ngoài mỏng tự do
Nguyễn Vũ Hoàng, Trần Thiết Sơn
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Những khuyết phần mềm của bàn tay rất thường gặp do nhiều nguyên nhân khác nhau.Vạt đùi trước ngoài tự do dạng mỏng có nhiều ưu điểm trong tạo hình bàn tay. Nghiên cứu này nhằm đánh giá kết quả sử dụng vạt đùi trước ngoài tự do dạng làm mỏng trong tạo hình khuyết phần mềm bàn tay. Nghiên cứu được thực hiện trên 36 bệnh nhân (5 bệnh nhân nữ, 31 bệnh nhân nam) từ 18 đến 51 tuổi với 38 vạt đùi trước ngoài tự do dạng làm mỏng được sử dụng từ tháng 3/2009 đến 8/2021, tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội. Nguyên nhân chủ yếu do chấn thương (27 bệnh nhân). Có 12 vạt làm mỏng sơ cấp, 26 vạt được làm mỏng vi phẫu tích. Kết quả 31 vạt sống hoàn toàn, 3 vạt thiểu dưỡng mép vạt, đầu vạt, 4 vạt hoại tử một phần vạt. Kích thước vạt trung bình 16,24 ± 6,06 × 8,71 ± 2,78cm. Chiều dày vạt mỏng trung bình là 4,22 ± 1,71mm. Kết quả thẩm mỹ nơi nhận vạt: 30 vạt kết quả tốt, 7 vạt kết quả khá. Kết quả phục hồi chức năng: 19 bàn tay chức năng cải thiện rõ, 16 bàn tay chức năng cải thiện, 3 bàn tay cải thiện ít. Kết luận: vạt đùi trước ngoài tự do dạng làm mỏng là một lựa chọn phù hợp đáng tin cậy trong tạo hình cho các khuyết tổ chức vùng bàn tay.
Bàn tay là một cơ quan vận động nhiều nhất ở chi trên, là nơi tiếp xúc, sờ mó, cầm nắm mọi vật, vì vậy rất dễ bị tổn thương. Thương tổn bàn tay do nhiều nguyên nhân trong đó hai nguyên nhân hay gặp là bỏng và chấn thương. Da ở bàn tay có vai trò bao bọc các tổ chức quan trọng như gân, xương, mạch máu và thần kinh. Các tổn thương khuyết phần mềm sẽ làm lộ gân, xương, làm vết thương bị ô nhiễm, nhiễm khuẩn gây dính gân, viêm xương, khớp, gây hạn chế vận động làm ảnh hưởng tới khả năng sinh hoạt và lao động của người bệnh. Do đó các khuyết phần mềm bàn tay cần được tạo hình che phủ sớm nhằm mục đích tái tạo lại chức năng và thẩm mỹ. Tùy theo từng loại tổn thương khác nhau mà có phương thức điều trị khác nhau và đòi hỏi chất liệu tạo hình khác nhau cùng với hình thức sử dụng chất liệu đó sao cho phù hợp.Trong vài thập kỷ qua, cùng với sự phát triển của kỹ thuật vi phẫu, người ta đã tìm ra một loạt những vạt động mạch xuyên, mở ra nguồn chất liệu vô cùng phong phú trong lĩnh vực này. Một trong những vạt động mạch xuyên được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi hiện nay là vạt đùi trước ngoài. Song R. và cộng sự báo cáo mô tả vạt lần đầu tiên vào năm 1984 như một vạt dựa trên nhánh xuyên cân da xuất phát từ nhánh xuống của động mạch mũ đùi ngoài.1Từ đó đến nay đã có nhiều nghiên cứu ứng dụng vạt trên lâm sàng cho thấy vạt có nhiều ưu điểm: có cấu tạo giải phẫu tương đối hằng định, dễ bóc vạt, cuống mạch dài, kích thước mạch đủ lớn phù hợp nối mạch vi phẫu, sức sống của vạt cao, it di chứng nơi cho vạt.
Nguồn: https://luanvanyhoc.com