Điều trị suy thận mạn tính giai đoạn cuối bằng thận nhân tạo tại bệnh viện và lọc màng bụng ngoại trú
Luận án Nghiên cứu chi phí – hiệu quả trong điều trị suy thận mạn tính giai đoạn cuối bằng thận nhân tạo tại bệnh viện và lọc màng bụng ngoại trú.Suy thận mạn là một hội chứng lâm sàng và sinh hóa, tiến triển qua nhiều năm tháng, hậu quả của các bệnh thận gây giảm sút từ từ số lượng nephron chức năng dẫn đến giảm dần mức lọc cầu thận [6], [21], [31]. Theo Hội thận học Thế giới, hiện nay có trên 500 triệu người suy thận mạn trên thế giới, cho thấy bệnh lý đang ngày càng phổ biến và có tính chất toàn cầu. Ở Việt Nam ước có khoảng gần 6 triệu người bị suy thận mạn (chiếm 6,72% dân số), trong đó 80.000 người đã chuyển sang giai đoạn cuối – thông tin đáng báo động này được đưa ra trong Hội nghị “Thận nhân tạo và chất lượng trong lọc máu” vào năm 2009 [7], [16].
Bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối phải điều trị thay thế thận bằng lọc máu ngoài thận hoặc ghép thận để duy trì sự sống. Ghép thận không phổ biến vì phải có người hiến thận nên lọc máu ngoài thận là phương pháp điều trị chủ yếu. Có hai phương pháp lọc máu ngoài thận phổ biến là điều trị thận nhân tạo chu kỳ và lọc màng bụng/ thẩm phân phúc mạc liên tục ngoại trú [6], [21], [31]. Điều trị thận nhân tạo chu kỳ là việc sử dụng máy có chức năng như một quả thận để thực hiện việc lọc máu cơ thể qua một màng lọc nhân tạo. Bệnh nhân điều trị thận nhân tạo chu kỳ sẽ phải đến cơ sở y tế từ 1 đến 3 lần mỗi tuần để lọc máu, mỗi lần kéo dài khoảng 4 giờ và gắn liền với việc điều trị này suốt đời. Tuân thủ điều trị thận nhân tao có nhiều khó khăn và khi không thể là đồng nghĩa với tử vong sớm, nhất là đối với những bệnh nhân sống ở vùng xa nên khó tiếp cận các trung tâm điều trị thận nhân tạo. Lọc màng bụng là phương pháp điều trị thay thế thận thông qua chức năng lọc của màng bụng. Phương pháp có thể thực hiện tại nhà và trở thành cơ hội sống cho những bệnh nhân không thể đến các trung tâm chạy thận thường xuyên [6], [21], [53].
Ở Việt Nam, ngay từ những năm 70, Khoa Thận tiết niệu – Bệnh viện Bạch Mai đã tiến hành kỹ thuật lọc màng bụng cho bệnh nhân cấp cứu suy thận cấp. Tuy nhiên, lọc màng bụng liên tục ngoại trú được quản lý thì mới chỉ phổ biến gần đây. Khoa Nội Thận – Miễn dịch ghép – Bệnh viện Nhân dân 115 – Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành thực hiện và quản lý lọc màng bụng liên tục ngoại trú cho bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối từ 2005 và là một trong những cơ sở y tế đầu tiên trong cả nước áp dụng phương pháp điều trị này. Đến nay, lọc màng bụng liên tục ngoại trú tại nhà ngày càng phổ biến ở Việt Nam với gần 30 trung tâm thực hiện phương pháp điều trị này do tính đơn giản, thuận tiện và chi phí tương đối thấp nhưng vẫn chỉ là một lựa chọn bên cạnh điều trị thận nhân tạo chu kỳ có chi phí cao do thực hiện tại cơ sở y tế chuyên sâu [91], [92]. Việc đánh giá kinh tế của lọc màng bụng ngoại trú tại nhà là cần thiết, giúp cung cấp bằng chứng ưu tiên phương pháp này trong điều trị bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối không có chống chỉ định tương đối với lọc màng bụng, khi nguồn lực quốc gia cho y tế còn hạn hẹp.
Đề tài “Nghiên cứu chi phí – hiệu quả trong điều trị suy thận mạn tính giai đoạn cuối bằng thận nhân tạo tại bệnh viện và lọc màng bụng ngoại trú” được triển khai với các mục tiêu sau:
1. Phân tích chi phí điều trị suy thận mạn tính giai đoạn cuối bằng thận nhân tạo tại bệnh viện và lọc màng bụng ngoại trú tại Bệnh viện Nhân dân 115, thành phố Hồ Chí Minh (2011-2012).
2. Phân tích chi phí – hiệu quả trong điều trị suy thận mạn tính giai đoạn cuối bằng thận nhân tạo tại bệnh viện và lọc màng bụng ngoại trú tại Bệnh viện Nhân dân 115.
Nguồn: https://luanvanyhoc.com