Giá trị tiên lượng của tổng thể tích u ở bệnh nhân ung thư vòm mũi họng giai đoạn III-IVB sau xạ trị điều biến liều
Giá trị tiên lượng của tổng thể tích u ở bệnh nhân ung thư vòm mũi họng giai đoạn III-IVB sau xạ trị điều biến liều
Hoàng Đào Chinh1, Lê Văn Quảng
1 Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Nghiên cứu nhằm đánh giá giá trị tiên lượng của tổng thể tích u bao gồm u nguyên phát và hạch di căn cho dự đoán kết quả sống thêm ở bệnh nhân ung thư vòm mũi họng giai đoạn III-IVB được xạ trị điều biến liều đồng thời với cisplatin, có hóa chất bổ trợ. Can thiệp lâm sàng không đối chứng trên 57 bệnh nhân ung thư vòm mũi họng giai đoạn III-IVB điều trị từ tháng 01/2014 đến tháng 01/2020 tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108. Phân tích đường cong ROC, ngưỡng tổng thể tích u tiên lượng cho sống thêm không tái phát tại chỗ – tại vùng, ST không di căn xa và sống thêm không tiến triển tương ứng là 77,8 cm3, 89,6 cm3 và 60 cm3. Tỷ lệ ước tính 3 năm sống thêm không tái phát tại chỗ-tại vùng, sống thêm không tiến triển và sống thêm toàn bộ cao hơn ở bệnh nhân có tổng thể tích u ≤ 60 cm3 so với tổng thể tích u > 60 cm3 (p < 0,05). Sống thêm không di căn xa 3 năm cao hơn ở bệnh nhân có tổng thể tích u ≤ 89,6 cm3 so với tổng thể tích u > 89,6 cm3 (p = 0,001). Phân tích đa biến cho thấy tổng thể tích u là yếu tố tiên lượng độc lập cho sống thêm không tái phát tại chỗ – tại vùng, sống thêm
không tiến triển và sống thêm không di căn xa, trong khi giai đoạn lâm sàng không là yếu tố tiên lượng độc lập.
Theo Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) năm 2018, ung thư vòm mũi họng (UTVMH) là bệnh tương đối hiếm gặp ở các nước Âu Mỹ nhưng phổ biến ở Nam Trung Quốc và Đông Nam Châu Á.¹ Tại Việt Nam, UTVMH là bệnh đứng hàng thứ 10 ở cả hai giới với tỉ lệ mắc bệnh chuẩn theo tuổi là 5,3/100.000 dân.² Hóa xạ trị đồng thời có hóa chất bổ trợ hoặc tân bổ trợ là phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho UTVMH giai đoạn III-IVB.3,4 Hiện nay, xạ trị điều biến liều (XTĐBL) được khuyến cáo ưu tiên trong điều trị UTVMH nhằm cải thiện phân bố liều cho khối u và giảm liều cho mô lành xung quanh.⁴ Với xạ trị hoặc hóa chất, kích thước hoặc thể tích u là một yếu tố tiên lượng chính trong điều trị hầu hết các bệnh ung thư. Trong hệ thống giai đoạn TNM theo AJCC phiên bản mới nhất 2017 của UTVMH, giai đoạn T vẫn được phân loại trên cơ sở xâm lấn các cấu trúc giải phẫu tại vùng và xâm lấn thần kinh.⁵ Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng thể tích u nguyên phát và hạch cổ di căn là yếu tố tiên lượng độc lập và có giá trị tiên lượng cao hơn giai đoạn bệnh lâm sàng trong UTVMH.6-10 Tuy nhiên, xác định chính xác thể tích u và hạch trong UTVMH cần phải tiến hành trên hình ảnh chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ trong phần mềm.