KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ PHẪU THUẬT TRƯỢT ĐỐT SỐNG THẮT LƯNG BẰNG PHƯƠNG PHÁP HÀN XƯƠNG LIÊN THÂN ĐỐT LỐI SAU Ở BỆNH NHÂN CÓ LOÃNG XƯƠNG [Luận văn bác sĩ nội trú]
Title: | KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ PHẪU THUẬT TRƯỢT ĐỐT SỐNG THẮT LƯNG BẰNG PHƯƠNG PHÁP HÀN XƯƠNG LIÊN THÂN ĐỐT LỐI SAU Ở BỆNH NHÂN CÓ LOÃNG XƯƠNG |
Authors: | NGUYỄN VĂN, VƯỢNG |
Advisor: | NGUYỄN HOÀNG, LONG |
Keywords: | Hàn xương liên thân đốt;loãng xương |
Issue Date: | 21/12/2022 |
Abstract: | Trượt đốt sống thắt lưng là sự dịch chuyển bất thường ra trước hoặc ra sau của đốt sống phía trên so với đốt sống ở phía dưới vùng thắt lưng. Hệ quả là làm thay đổi cấu trúc giải phẫu và mất vững cột sống. Bệnh có tỷ lệ mắc vào khoảng 6% dân số1. Có nhiều nguyên nhân gây trượt đốt sống, trong đó khuyết eo và thoái hóa là hai nguyên nhân thường gặp nhất2,3. Biểu hiện lâm sàng của trượt đốt sống thắt lưng rất đa dạng và phong phú, có thể chỉ có đau lưng, đau theo rễ hoặc phối hợp cả hai, đôi khi không có triệu chứng gì4,5, dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác vùng thắt lưng. Dân số già đang gia tăng nhanh chóng trên toàn thế giới, kéo theo sự gia tăng các trường hợp bệnh lý cột sống kèm theo loãng xương6 . Năm 1993, WHO đã đưa ra khái niệm thống nhất: loãng xương là một bệnh lý của xương với đặc điểm khối lượng xương suy giảm, vi cấu trúc của xương bị hư hỏng, dẫn đến tình trạng xương bị yếu và hệ quả là tăng nguy cơ gãy xương7. Loãng xương được coi là một vấn đề sức khỏe lớn hiện nay vì nó ảnh hưởng đến một tỷ lệ không nhỏ dân số trên 50 tuổi. Tỷ lệ loãng xương ở các nước trên thế giới vào khoảng 20-25% trong khi đó con số này ở Việt Nam là 30% ở nữ giới và 10% ở nam giới8. Về điều trị, trượt đốt sống thắt lưng có thể được điều trị bảo tồn hoặc điều trị phẫu thuật. Phẫu thuật được đặt ra khi có sự mất vững, chèn ép thần kinh làm suy giảm chức năng cột sống. Phẫu thuật giải ép, nắn chỉnh và làm vững lại cấu trúc cho cột sống là vấn đề then chốt trong điều trị bệnh lý này. Ngày nay, có nhiều phương pháp phẫu thuật điều trị trượt đốt sống, từ mổ mở truyền thống cho đến phẫu thuật xâm lấn tối thiểu như: giải ép thần kinh đơn thuần, ghép xương sau bên hoặc ghép xương liên thân đốt. Trong đó, ghép xương liên thân đốt là một phương pháp được sử dụng phổ biến vì có nhiều ưu điểm: cho tỷ lệ liền xương cao và khôi phục chiều cao liên thân đốt rất tốt 9,10. Ghép xương liên thân đốt có thể được tiếp cận bằng nhiều đường: lối trước, lối sau hoặc qua lỗ liên hợp. Trong đó, đường vào qua lỗ liên hợp hạn chế được các biến chứng rách màng cứng và tổn thương rễ, do không phải vén màng cứng và rễ thần kinh nhiều 11,12. Vì vậy ngày nay phương pháp ghép xương liên thân đốt qua lỗ liên hợp được nhiều phẫu thuật viên áp dụng 9,13,14. Tuy nhiên, ở những bệnh nhân loãng xương việc phẫu thuật gặp một số khó khăn, do có mật độ xương thấp nên độ cố định của vít trong xương giảm đáng kể; dẫn đến tăng nguy cơ lỏng vít, nhổ vít, không liền xương15 16, lún miếng ghép đĩa đệm nhân tạo vào thân đốt sống17,18. Để khắc phục tình trạng này các phương pháp đã được áp dụng: tăng chiều dài và đường kính vít19,20; cải thiện thiết kế vít như dùng vít ren đôi21,22; hay sử dụng vít rỗng nòng bơm xi măng20,23… Trên thế giới phẫu thuật trượt đốt sống thắt lưng bằng phương pháp hàn xương liên thân đốt lối sau ở bệnh nhân có loãng xương được đánh giá khá tốt, cho kết quả khả quan6,24. Tuy nhiên tại Việt Nam chưa tìm thấy nhiều báo cáo về phẫu thuật cho nhóm bệnh nhân này. Vì vậy chúng tôi tiến hành nghiên cứu: “KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ PHẪU THUẬT TRƯỢT ĐỐT SỐNG THẮT LƯNG BẰNG PHƯƠNG PHÁP HÀN XƯƠNG LIÊN THÂN ĐỐT LỐI SAU Ở BỆNH NHÂN CÓ LOÃNG XƯƠNG” 1. Mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh nhân trượt đốt sống thắt lưng có loãng xương. 2. Đánh giá kết quả điều trị phẫu thuật trượt đốt sống thắt lưng bằng phương pháp cố định và hàn xương liên thân đốt sống lối sau ở bệnh nhân có loãng xương. |
URI: | |
Appears in Collections: | Luận văn bác sĩ nội trú |
Chuyên mục: Luận văn bác sĩ nội trú
Nguồn: https://dulieuso.hmu.edu.vn