KẾT QUẢ VÀ MỘT SỐ THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN TRONG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH QUẢN LÝ ĐIỀU TRỊ NGƯỜI NGHIỆN CÁC CHẤT DẠNG THUỐC PHIỆN BẰNG METHADONE TẠI TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2018- 6/2020

KẾT QUẢ VÀ MỘT SỐ THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN TRONG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH QUẢN LÝ ĐIỀU TRỊ NGƯỜI NGHIỆN CÁC CHẤT DẠNG THUỐC PHIỆN BẰNG METHADONE TẠI TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2018- 6/2020

KẾT QUẢ VÀ MỘT SỐ THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN TRONG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH QUẢN LÝ ĐIỀU TRỊ NGƯỜI NGHIỆN CÁC CHẤT DẠNG THUỐC PHIỆN BẰNG METHADONE TẠI TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2018- 6/2020
Học viên: NGUYỄN QUỐC PHỤC
Giáo viên hướng dẫn: TS. LÊ THỊ KIM ÁNH
Chương trình quản lý điều trị Methadone tại tỉnh Vĩnh Long được triển khai nhằm thực các mục tiêu: (1) xây dựng cơ sở điều trị nghiện CDTP bằng thuốc Methadone đạt chuẩn; (2) giảm tỷ lệ người sử dụng ma tuý trái phép trên địa bàn; (3) khống chế không để tỷ lệ nhiễm HIV gia tăng trong số người đang tham gia điều trị; (4) 50% người CDTP trên địa bàn thị xã Bình Minh và 03 huyện lân cận được điều trị tại cơ sở điều trị Methadone của Trung tâm y tế thị xã Bình Minh. Nghiên cứu “Kết quả và một số thuận lợi, khó khăn trong thực hiện chương trình quản lý điều trị người nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2018- 6/2020” là cần thiết để đánh giá chương trình có đạt mục tiêu đặt ra không; đồng thời, kết quả nghiên cứu sẽ cung cấp thêm thông tin để tham khảo hoạch định chính sách cho quản lý điều trị người nghiện CDTP trên địa bàn trong thời gian tới.
Nghiên cứu được tiến hành từ năm 2018 đến tháng 06/2020 tại 02 cơ sở điều trị Methadone của tỉnh Vĩnh Long nhằm 2 mục tiêu: (1) mô tả một số kết quả thực hiện chương trình quản lý điều trị người nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, và (2) phân tích một số khó khăn, thuận lợi ảnh hưởng đến hoạt động, từ đó đưa ra những khuyến nghị để nâng cao chất lượng của cơ sở điều trị.
Áp dụng thiết kế mô tả cắt ngang với phương pháp kết hợp định lượng và định tính. Đối với nghiên cứu định lượng thực hiện hồi cứu bệnh án 261 khách hàng tham gia điều trị và hồi cứu các loại hồ sơ, sổ sách của Chương trình quản lý điều trị Methadone tại 02 cơ sở điều trị trong thời gian nghiên cứu. Với nghiên cứu định tính thực hiện 02 cuộc  TLN gồm 14 khách hàng được lựa chọn có chủ đích và 18 cuộc PVS (1 lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, 1 lãnh đạo Trung tâm Y tế Bình Minh phụ trách Methadone và 16 cán bộ, NVYT đang làm việc cơ hữu hoặc kiêm nhiệm tại 02 cơ sở điều trị).
Kết quả nghiên cứu cho thấy về hoạt động, 02 cơ sở điều trị thuộc Chương trình quản lý, điều trị Methadone tỉnh Vĩnh Long trong giai đoạn 2018- 6/2020 thuộc mô hình điều trị toàn diện, quản lý điều trị nghiện CDTP cho 261 khách hàng trong số 597 người nghiện CDTP trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Kinh phí hoạt động hàng năm được ngân sách tỉnh chi trả, nguồn thuốc được cấp từ Cục Phòng chống HIV/AIDS. Cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực của 02 cơ sở điều trị Methadone trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long cơ bản đạt theo tiêu chuẩn quy định tại Thông tư số 12/2015/TT-BYT ngày 28/5/2015. Tỷ lệ người SDMT trái phép chiếm 18% số người nghiện CDTP tham gia điều trị Methadone giai đoạn 2018- 6/2020. Không phát sinh thêm tình trạng nhiễm HIV ở tất cả khách hàng tham gia điều trị Methadone giai đoạn 2018- 6/2020. Tỷ lệ tiếp cận điều trị Methadone của người nghiện CDTP cư trú trên địa bàn thị xã Bình Minh và 03 huyện lân cận giai đoạn 2018-2020 đạt 54,08%. Về thuận lợi, khó khăn: cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực của cơ sở điều trị cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, diện tích một số phòng ốc cơ sở điều trị Methadone số 1 còn chật hẹp, chế độ phụ cấp chưa tương xứng làm cho tâm lý cán bộ, NVYT chưa an tâm; chưa được giám sát hỗ trợ chuyên môn từ tuyến trên và chưa được tập huấn cập nhật kiến thức, thiếu cán bộ, NVYT thay thế. Thời gian xét chọn, thu dung, khởi liều kéo dài; giờ giấc uống thuốc không phù hợp, khoảng cách đi uống thuốc quá xa là những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của chương trình.
Qua đó, chúng tôi khuyến nghị: điều chỉnh chính sách đãi ngộ đảm bảo công bằng, tương xứng cho NVYT phục vụ trong môi trường độc hại, nguy hiểm tại các cơ sở điều trị Methadone; xây dựng kế hoạch đảm bảo tài chính mang tính giai đoạn cho chương trình; triển khai điểm cấp, phát thuốc vệ tinh tại y tế tuyến cơ sở; giám sát hỗ trợ chuyên môn từ tuyến trên, cập nhật kiến thức và đào tạo đội ngũ thay thế, kế thừa; nâng cao chất lượng phục vụ, hướng tới sự hài lòng của khách hàng. Khách hàng tuân thủ điều trị, thường xuyên trao đổi với NVYT, người thân, bạn bè những khó khăn trong quá trình tham gia điều trị Methadone để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.

Nguồn: https://luanvanyhoc.com

Leave a Comment