Kiến thức và thực trạng thiếu sắt, thiếu kẽm của nữ công nhân tại một công ty ở miền Bắc Việt Nam năm 2020
Kiến thức và thực trạng thiếu sắt, thiếu kẽm của nữ công nhân tại một công ty ở miền Bắc Việt Nam năm 2020
Nguyễn Thuỳ Linh, Tạ Thanh Nga, Nguyễn Thuý Nam, Phạm Thị Tuyết Chinh
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Nghiên cứu cắt ngang trên 500 phụ nữ độ tuổi lao động tại công ty Midori Apparel Việt Nam từ tháng 6/2020 đến tháng 10/2020 nhằm đánh giá thực trạng thiếu vi chất dinh dưỡng và kiến thức về thiếu vi chất dinh dưỡng. Kết quả: tỷ lệ thiếu sắt huyết thanh là 5,6%, tỷ lệ thiếu sắt dự trữ là 3,8%. Tỷ lệ thiếu kẽm cao, chiếm 67,6%. Kiến thức về thiếu vi chất dinh dưỡng của nữ công nhân rất thấp, tới 492 nữ công nhân (98,4%) không có kiến thức về thiếu kẽm, đặc biệt 0% nữ công nhân có kiến thức tốt về thiếu kẽm. Có mối liên quan giữa kiến thức về thiếu sắt với tỷ lệ thiếu sắt huyết thanh ở nữ công nhân với p < 0,05.
Thiếu hụt vi chất dinh dưỡng là vấn đề có ý nghĩa sức khoẻ cộng đồng ở các nước đang phát triển, đặc biệt ở các nước Đông Nam Á. Thiếu hụt vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến hơn 2 tỉ người trên thế giới và gây ra nhiều hậu quả.1 Vi chất dinh dưỡng bao gồm các vitamin và chất khoáng là những chất hỗ trợ cơ thể sản xuất hormon, enzym và những chất xúc tác hỗ trợ tích cực cho cơ thể tăng trưởng, phát triển và cân bằng cơ thể. Vi chất dinh dưỡng rất cần cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ độ tuổi sinh đẻ vì liên quan đến chức năng sinh sản và nuôi con bằng sữa mẹ. Một nghiên cứu ở Campuchia (2017) chỉ ra 26,9% phụ nữ ở độ tuổi lao động có thiếu máu, 22,1% có thiếu sắt và 46,5% thiếu sắt dự trữ trong cơ thể.2Nghiên cứu của Halimatou Alao trên 765 phụ nữ độ tuổi sinh đẻ tại Benin cho thấy tỷ lệ thiếu sắt và thiếu máu do thiếu sắt lần lượt là 18,3 và 11,3%.3 Tỷ lệ thiếu kẽm ở phụ nữ độ tuổi sinh đẻ theo các nghiên cứu cũng ở mức cao. Nghiên cứu của Gemechu Kumera tại Ethiopia cho thấy tỷ lệ thiếu kẽm huyết thanh ở phụ nữ mang thai là 57,4%, ở Kenia là 66,9% và ở Cameroon là 82%.4,5,6Thiếu vi chất dinh dưỡng cũng là vấn đề sức khoẻ có ý nghĩa cộng đồng ở Việt Nam. Theo điều tra quốc gia năm 2014 – 2015, 80,3% phụ nữ có thai và 63,3% phụ nữ không mang thai bị thiếu kẽm, 32,8% phụ nữ có thai và 25,5% phụ nữ không mang thai bị thiếu sắt.7 Nghiên cứu của Nguyễn Thuỳ Linh năm 2020 trên 252 phụ nữ độ tuổi lao động cũng cho thấy tỷ lệ thiếu sắt huyết thanh là 20,24%.8Trong khi đó, 70% phụ nữ Việt Nam tham gia lực lượng lao động. Những nghiên cứu đánh giá tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng là cần thiết để đề xuất các giải pháp can thiệp nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho phụ nữ độ tuổi lao động nói chung và phụ nữ độ tuổi sinh đẻ nói riêng.