Lao phổi đồng mắc ung thư phổi – Tổng quan tài liệu và nhân một trường hợp
Lao phổi đồng mắc ung thư phổi – Tổng quan tài liệu và nhân một trường hợp
Cung Văn Công
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Ung thư phổi là bệnh ác tính phát triển từ biểu mô phế quản, tiểu phế quản, phế nang hoặc từ các tuyến phế quản. Lao phổi là bệnh lý nhiễm trùng phổi do trực khuẩn lao gây ra. Đây là hai căn bệnh khá phổ biến thường gặp trong thực hành lâm sàng. Bệnh thường xuất hiện riêng rẽ và quan niệm này đã ăn sâu vào tiềm thức của các thầy thuốc trong một thời gian dài. Một số nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra được mối liên hệ dịch tễ, sinh bệnh học, nguy cơ và qui luật nhân quả của hai căn bệnh này. Hiện nay các ca bệnh đồng mắc hai bệnh này xuất hiện ngày một nhiều. Chúng tôi báo cáo ca bệnh vừa lao, vừa ung thư được chẩn đoán xác định bằng các tiêu chuẩn vàng và bước đầu điều trị cho kết quả khá bất ngờ. Qua báo cáo chúng tôi muốn bổ sung ca bệnh hay, ít gặp vào ngân hàng báo cáo ca bệnh, nơi mà các bác sỹ có thể tra cứu, tìm hiểu để từ đó có phương cách tiếp cận chẩn đoán tốt hơn khi gặp những ca bệnh tương tự.
Vi khuẩn lao là trực khuẩn lây truyển từ người sang người bằng 3 con đường: Hô hấp, tiêu hoá, da và niêm mạc. Trong đó qua đường hô hấp là chủ yếu (70 – 80%).1 Người bị lao phổi khi ho, khạc có thể phát tán vi khuẩn lao ra môi trường không khí. Do kích thước rất nhỏ (< 5μm) nên vi khuẩn có thể tồn tại trong giọt bắn lơ lửng trong môi trường không khí nhiều giờ đồng hồ, đặc biệt lâu trong môi trường không thông thoáng.2 Người lành khi hít phải không khí có chứa vi khuẩn lao vào trong phổi khi đó được gọi là người nhiễm lao hay còn gọi là lao tiềm ẩn. Khi vi khuẩn lao xuất hiện trong cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ được kích hoạt nhằm tiêu diệt vi khuẩn lao: Các đại thực bào sẽ “nuốt” vi khuẩn và biến hình qua vách phế nang để vận chuyển chúng ra ngoài; các tế bào lympho T sẽ được huy động đến “bao vây” khu vực này nhằm trợ giúp cho đại thực bào khi đại thực bào suy yếu hoặc bị phá vỡ bởi chính trực khuẩn lao. Sự hình thành phức hợp miễn dịch (tế bào, dịch thể) trong cơ thể người nhiễm lao tạo cơ sở khoa học cho chẩn đoán lao tiềm ẩn (Mantoux/TST (+); Kháng thể kháng lao/IGRA (+). Nếu không bị tiêu diệt hoàn toàn trực khuẩn lao có thể “ngủ đông” trong khoảng thời gian bất định tại các tổn thương này. Khi hệ thống miễn dịch cơ thể suy yếu, vi khuẩn lao sẽ “phá vòng vây”, phát triển mạnh và mở rộng vùng hoạt động tạo ra các tổn thương có thể quan sát thấy trên phim X-quang. Các hỉnh ảnh cơ bản của tổn thương phổi có thể là: Hạch lớn rốn phổi, trung thất; Nốt nhỏ (lao kê); nốt lớn (lao nốt, u lao), thâm nhiễm (đông đặc/ tập hợp nốt lớn); hang; vôi hoá, xơ hoá, giãn phế quản, tràn dịch màng phổi. Các tổn thương nhu mô thường xuất hiện ở vùng cao hai phổi (thuỳ trên, phân thuỳ VI), đối xứng vùng cao hai bên, đối chéo trên – dưới hai bên với sự xuất hiện hình thái tổn thương nhiều lứa tuổi (cũ, mới đan xen). Trong số này tổn thương đông đặc dạng khối (thâm nhiễm) rất hay chẩn đoán nhầm với ung thư phổi.
Nguồn: https://luanvanyhoc.com