Mối liên quan giữa nhiệt độ với số người bệnh cao tuổi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) điều trị nội trú tại năm bệnh viện tại thành phố Đà Nẵng năm 2019
Mối liên quan giữa nhiệt độ với số người bệnh cao tuổi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) điều trị nội trú tại năm bệnh viện tại thành phố Đà Nẵng năm 2019
Ngô Văn Toàn, Lê Vũ Thuý Hương, Trần Thị Thoa, Nguyễn Thị Khánh Linh
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Nghiên cứu cắt ngang tiến hành năm 2019 tại năm bệnh viện tại thành phố Đà Nẵng nhằm nghiên cứu ảnh hưởng của sự thay đổi các giá trị nhiệt độ với số người cao tuổi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nhập viện điều trị nội trú. Diễn biến nhiệt năm 2019, nhiệt độ tăng dần từ tháng 1 đến tháng 6, tháng 7 và sau đó giảm dần đến tháng 12. Nhiệt độ cao nhất ở tháng 6,7 và 8. Nhiệt độ thấp nhất ở tháng 12 và tháng 1. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra khi nhiệt độ chênh lệch tăng 1oC, nguy cơ nhập viện điều trị nội trú do COPD của người cao tuổi tăng 4% (95%CI: 0,08% – 8,1%). Nghiên cứu của chúng tôi chưa tìm thấy mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa sự tăng nhiệt độ trung bình ngày, nhiệt độ tối đa và nhiệt độ tối thiểu với số người bệnh cao tuổi mắc COPD điều trị nội trú.
Các bệnh mạn tính không lây như bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư và các bệnh hô hấp mạn tính là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu, là nguyên nhân gây tử vong nhiều hơn tất cả các nguyên nhân khác cộng lại.1 Trong đó, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một trong những bệnh mạn tính hay gặp phải ở người cao tuổi. Giới hạn thông khí mạn tính đặc trưng cho bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là gây ra bởi một hỗn hợp của bệnh đường hô hấp nhỏ (ví dụ viêm phế quản tắc nghẽn) và phá hủy nhu mô (khí phế thũng).2Trong đó, nhiệt độ là một trong những yếu tố góp phần làm gia tăng và trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.3Tuy nhiên, nhiệt độ là một trong những yếu tố ít được quan tâm khi dự phòng bệnh, mặc dù trên thế giới có những nghiên cứu chỉ ra tác hại của nhiệt độ tới các bệnh đường hô hấp, trong đó có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Những nghiên cứu về ảnh hưởng của nhiệt độ tới tỷ lệ nhập viện do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Việt Nam còn chưa được chú trọng. Chúng ta thiếu những bằng chứng khoa học chứng minh mối liên quan giữa nhiệt độ và tỷ lệ nhập viện nói chung, cũng như nhập viện do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nói riêng.4,5Biến đổi khí hậu dẫn tới sự gia tăng nhiệt độ đang ảnh hưởng tới sức khoẻ mọi cộng đồng dân cư trên toàn Thế giới, đặc biệt là dân cư đô thị. Nhiệt độ trung bình khu vực thành thị thường ở mức cao hơn vùng nông thôn, chính vì thế, ảnh hưởng của sự gia tăng nhiệt độ tại khu vực đô thị cũng sẽ nặng nề hơn vùng nông thôn, tạo áp lực lớn lên bộ máy y tế.6 Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người già, trẻ em, và những người làm việc ngoài trời là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng nhiệt độ.7Điều này còn ảnh hưởng không nhỏ tới những người có bệnh lý mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
https://thuvieny.com/moi-lien-quan-giua-nhiet-do-voi-so-nguoi-benh-cao-tuoi-mac-benh-phoi-tac-nghen-man-tinh-copd/