Một số yếu tố ảnh hưởng tới kiến thức và thực hành về dự phòng bệnh tăng huyết áp của người dân tại huyện Hạ Hoà, Phú Thọ năm 2018
Một số yếu tố ảnh hưởng tới kiến thức và thực hành về dự phòng bệnh tăng huyết áp của người dân tại huyện Hạ Hoà, Phú Thọ năm 2018
Ngô Văn Toàn, Lê Vũ Thuý Hương, Trần Quỳnh Anh, Trần Minh Hải, Lê Quang Thọ
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Bệnh tăng huyết áp là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Bệnh tăng huyết áp hoàn toàn có thể dự phòng được nếu người dân có kiến thức và thực hành về việc dự phòng bệnh. Nghiên cứu mô tả cắt ngang được thực hiện trên 515 đối tượng là người dân không mắc bệnh tăng huyết áp tại huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ vào năm 2018. Nghiên cứu chỉ ra mối liên quan giữa giới tính, nhóm tuổi, nghề nghiệp và tình trạng kinh tế đều có liên quan tới kiến thức hoặc thực hành việc dự phòng bệnh tăng huyết áp. Trong đó nữ giới có kiến thức tốt hơn nam giới (OR=1,5; 95%CI: 1,04-2,08). Có sự liên quan giữa kiến thức và thực hành dự phòng bệnh tăng huyết áp. Người có kiến thức đạt thì có tỷ lệ thực hành đúng cao gấp 2,2 lần những người không có kiến thức đạt (95%CI: 1,53-3,25). Nghiên cứu cung cấp bằng chứng về quan trọng của việc dự phòng bệnh tăng huyết áp cho người dân, với mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân đặc biệt là người dân tại huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ.
Tăng huyết áp (THA) là một bệnh không lây nhiễm phổ biến trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam với tần suất ngày càng tăng. Đây là một thách thức lớn đối với sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu. Bệnh tăng huyết áp rất nguy hiểm vì nó diễn biến âm thầm và gây ra những biến chứng có thể đe dọa tính mạng người bệnh hoặc để lại gánh nặng tàn phế. Tăng huyết áp nếu không được kiểm soát sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, mù lòa và tử vong, tăng gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tăng huyết áp xếp thứ thứ 3 trong 10 yếu tố nguy cơ hàng đầu của các bệnh không lây, là nguyên nhân gây tử vong của 7,1 triệu người, chiếm 4,5% tổng số gánh nặng bệnh tật trên toàn cầu.1,2 Tại Việt Nam, tăng huyết áp gây ra 91.560 ca tử vong năm 2010, chiếm 20,8% tổng số ca tử vong và 7,2% tổng số gánh nặng bệnh tật.3Bệnh tăng huyết áp hoàn toàn có thể phòng tránh được. Bệnh nhân tăng huyết áp có thể được điều trị hiệu quả và hạn chế các biến chứng của bệnh nếu như người bệnh có kiến thức, thái độ và thực hành về bệnh, tuân thủ điều trị theo chỉ định của thầy thuốc và kiểm soát tốt các hành vi nguy cơ. Kết quả nghiên cứu gần đây tại 8 tỉnh thành phố, tỷ lệ tăng huyết áp là trên 25,1% nghĩa là cứ 4 người thì có 1 người tăng huyết áp, trong đó có tới 51,6% không biết mình bị tăng huyết áp, 38,9% biết mình bị tăng huyết áp nhưng không điều trị và 67,7% có điều trị nhưng chưa kiểm soát được.
https://thuvieny.com/mot-so-yeu-to-anh-huong-toi-kien-thuc-va-thuc-hanh-ve-du-phong-benh-tang-huyet-ap-cua-nguoi-dan/