Phản hồi của sinh viên Đại học Y Hà Nội về giảng dạy thực địa cộng đồng trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 năm 2020
Phản hồi của sinh viên Đại học Y Hà Nội về giảng dạy thực địa cộng đồng trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 năm 2020
Nguyễn Thị Thu Hường, Hoàng Thị Hải Vân, Đàm Ngọc Anh, Võ Thị Thúy Hà, Trần Kim Thanh, Lê Đình Luyến, Phạm Thị Thu Trang, Nguyễn Sử Minh Ngọc
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 258 sinh viên trường Đại học Y Hà Nội nhằm đánh giá thực trạng giảng dạy chương trình thực tế cộng đồng 1 trong điều kiện dịch bệnh COVID-19. Kết quả cho thấy điểm đánh giá của sinh viên trên thang điểm 1 – 4 cho thấy về học phần COVID-19 với điểm trung bình 3,33 ± 0,44; học phần thực tế cộng đồng là 3,31 ± 0,45; và đánh giá chung là 3,25 ± 0,45 điểm. Sinh viên đánh giá khá cao về nội dung phù hợp và tổ chức giảng dạy COVID-19 online khá phù hợp với điểm số cao nhất trong các cấu phần (3,28). Trong các học phần, việc thông báo rõ về kế hoạch được đánh giá điểm cao nhất trong học phần COVID-19; đánh giá giảng viên nhiệt tình được đánh giá điểm cao nhất trong học phần thực tế cộng đồng; và phương pháp thực tế cộng đồng được đánh giá là chính xác và công bằng. Có mối tương quan chặt chẽ giữa các cấu phần thực tế cộng đồng theo đánh giá của sinh viên dao động từ 0,7897 đến 0,8889 với p < 0,05. Sinh viên có phản hồi tốt về chương trình thực tế cộng đồng và cần có các nghiên cứu mở rộng hơn để phát triển chương trình thực tế cộng đồng.
Chương trình thực tế cộng đồng 1 được tổ chức vào tháng 7 – tháng 8 hàng năm dành cho sinh viên năm thứ 3 hệ bác sĩ và sinh viên năm thứ 2 hệ cử nhân toàn Trường Đại học Y Hà Nội. Chương trình giúp cho sinh viên tiếp cận với cộng đồng và từ đó phát hiện các vấn đề sức khỏe, có các nhận biết, đánh giá cũng như can thiệp truyền thông giáo dục sức khỏe tại cộng đồng. Chương trình được ghi nhận là sẽ giúp học sinh khả năng tích hợp kiến thức trong các môn khoa học hành vi và trong mối quan hệ thực tiễn để xử lý các tình huống thực tế.1Nó cũng giúp sinh viên hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân, quá trình ra quyết định trong hoàn cảnh thực tế và hòa nhập với sự thay đổi môi trường trong công tác.2Chương trình đáp ứng được chuẩn đầu ra và tiêu chuẩn năng lực cho các đối tượng Bác sĩ đa khoa, cử nhân điều dưỡng, bác sĩ Y học dự phòng, CN YTCC, CN DD. Cụ thể như sau:Theo Quyết định 1854/QĐ-BYT ngày 18/5/2015 về “Chuẩn năng lực cơ bản của bác sĩ đa khoa” do Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt, hoạt động thực tế cộng đồng sẽ đáp ứng được tiêu chuẩn thứ 6 trong áp dụng các nguyên tắc, phương pháp y tế công cộng trong thực hành chăm sóc y khoa. Việc thực hành tại cộng đồng giúp sinh viên có tiếp cận vấn đề sức khỏe dựa vào các yếu tố nguy cơ tại cộng đồng.
https://thuvieny.com/giang-day-thuc-dia-cong-dong-trong-dieu-kien-dich-benh-covid-19/