Thực trạng sức khỏe của người lao động làm nghề mộc xã Hữu Bằng, Thạch Thất, Hà Nội, năm 2020
Thực trạng sức khỏe của người lao động làm nghề mộc xã Hữu Bằng, Thạch Thất, Hà Nội, năm 2020
Khương Văn Duy, Nguyễn Thị Quỳnh, Nguyễn Thanh Thảo, Phan Mai Hương
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Nghiên cứu được tiến hành tại xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội nhằm mô tả thực trạng sức khỏe người lao động làm nghề mộc năm 2020. Thiết kế nghiên cứu mô tả cắt ngang áp dụng phỏng vấn trực tiếp 80 người lao động kết hợp với khám sức khỏe đầy đủ cho người lao động theo quy định của Bộ Y tế. Kết quả cho thấy tỷ lệ người lao động tại làng nghề mộc có sức khỏe tốt là 81,1%, loại trung bình là 8,8% và loại kém và rất kém là 1,8%. Tỷ lệ người lao động mắc các bệnh về mắt chiếm tỷ lệ cao nhất chiếm 67,5%, tiếp đến là nhóm bệnh thần kinh chiếm 55% và sau đó là các bệnh về tai mũi họng chiếm 36,3%. Các nhóm bệnh về đường tiêu hóa và cơ xương khớp chiếm tỷ lệ thấp hơn lần lượt là 18,8% và 25%. Tình trạng sức khỏe người lao động tại làng mộc chủ yếu đạt loại tốt. Cần phục hồi sức khỏe cho những người có sức khỏe kém và rất kém và hướng dẫn người lao động chủ động dự phòng các bệnh nghề nghiệp tại nơi làm việc.
Mỗi ngành nghề luôn phải đối mặt với các yếu tố có hại và nguy hiểm riêng, gây ra các bệnh tật đặc trưng cho từng ngành nghề, nghề may có nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp, tiêu hóa, tai mũi họng,1 nghề làm gạch, khai thác vàng, khai thác đá lại có nguy cơ mắc bệnh bụi phổi silic.2Làng nghề mộc là một trong các làng nghề truyền thống góp phần quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Với hơn 300 làng nghề trên cả nước và 300.000 lao động tham gia sản xuất, các làng nghề mộc đã mang lại doanh thu hàng năm lên đến 1,5 tỉ đô la/năm, cung cấp 80% tổng đồ gỗ nội thất và xây dựng cho thị trường nội địa (HRPC 2009).3 Người lao động tại làng nghề mộc phải thường xuyên tiếp xúc nhiều với các yếu tố tác hại nghề nghiệp như bụi, tiếng ồn, hơi khí độc… Đặc biệt, qua các báo cáo quan trắc môi trường làng nghề gần đây, các yếu tố tác hại nghề nghiệp này đều vượt quá quy định cho phép cùng với tính chất công việc đòi hỏi sự chính xác, tỉ mỉ, tập trung cao, nó là điều kiện thuận lợi để phát sinh bệnh tật đặc biệt là các bệnh đường hô hấp, bệnh ngoài da.4Làng nghề mộc Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội là một trong các làng nghề truyền thống thu hút được nhiều nhất người lao động đến làm nghề trên địa bàn toàn huyện. Có số dân đông nhất trong 9 làng nghề truyền thống tại huyện Thạch Thất với gần 15.000 dân, trong đó có 6.740 lao động và 4.950 lao động làm nghề mộc, chiếm 73,44% trong tổng số lao động của xã, 50 doanh nghiệp và 4.100 hộ gia đình làm nghề,5 làng mộc Hữu Bằng là làng nghề truyền thống đem lại nguồn thu nhập lớn, tạo cơ hội việc làm cho rất nhiều người lao động. Hàng năm làng nghề đóng góp khoảng 80% trong tổng thu nhập của toàn xã.6 Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu đánh giá vấn đề sức khỏe và tác động của môi trường ảnh hưởng đến người dân tại làng nghề mộc Hữu Bằng.
Thực trạng sức khỏe của người lao động làm nghề mộc xã Hữu Bằng, Thạch Thất, Hà Nội, năm 2020