Đặc điểm biến chứng hô hấp của bệnh lý bướu giáp chèn ép khí quản
Đặc điểm biến chứng hô hấp của bệnh lý bướu giáp chèn ép khí quản
Nguyen Hoai Nam, Tran Le Bao Chau, Tran Minh Bao Luan, Huynh Quang Khanh
ĐẶT VẤN ĐỀ: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng 33% bệnh nhân bướu giáp có triệu chứng chèn ép. Bệnh lý bướu giáp chèn ép gây hẹp đường thở là một trong những chỉ định ngoại khoa của bệnh lý bướu giáp. Triệu chứng chèn ép không chỉ ảnh hưởng về lâm sàng đối vối bệnh nhân mà còn là một vấn đề đối với gây mê và hồi sức chu phẫu.
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU: Hồi cứu mô tả cắt ngang. Chúng tôi thu nhận được 52 bệnh nhân được chẩn đoán bướu giáp chèn ép khí quản đến khám và có điều trị phẫu thuật tại khoa Ngoại Lồng Ngực bệnh viện Chợ Rẫy từ tháng 01/2015 đến hết tháng 03/2019. Tiêu chuẩn loại trừ: BN có u phối hợp vùng cổ gây chèn ép khí quản, Ung thư tuyến giáp có hình ảnh xâm lấn khí quản trên CT scan.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU: Tuổi trung bình nhóm nghiên cứu 62.15 ± 12.71, tỉ lệ nam/nữ xấp xỉ 1:4. Tại thời điểm nhập viện, có 3 trường hợp đang điều trị viêm phổi, 4 trường hợp đang đặt NKQ và 1 trường hợp đã được mở khí quản trong tổng số 52 ca, như vậy có 15.38% bệnh nhân có vấn đề hô hấp tại thời điểm nhập viện. Đặc điểm của bướu giáp chèn ép khí quản thường là bướu có kích thước lớn, phân độ từ độ II trở lên, trên 80% có thòng trung thất. Đường kính khí quản nhỏ nhất đo được là 3 mm. Đường kính khí quản nhỏ nhất trung bình tính ra là 8.15 ± 3.40. Phân nhóm khí quản hẹp đa số bệnh nhân thuộc nhóm kích thước từ 5 – 10 mm, chiếm 73.1% Tỉ lệ bệnh nhân đặt nội khí quản khó là 61.5%. Kết quả tốt của phẫu thuật là 86.54%, tỉ lệ biến chứng sau phẫu thuật là 13.46% bao gồm các biến chứng suy hô hấp, tê tay, liệt dây thanh và tụ dịch trung thất, ngoài ra không có trường hợp nào tử vong. Tỉ lệ suy hô hấp sau mổ là 3.8%. Tỉ lệ đặt lại nội khí quản là 1.9%. Ghi nhận chỉ có 2 trường hợp mềm sụn khí quản được đánh giá trong mổ và cả hai trường hợp đều được xử lý bằng cách khâu treo khí quản.
KẾT LUẬN: Phẫu thuật điều trị bệnh lý bướu giáp chèn ép khí quản cho kết quả sớm tốt. Phẫu thuật ở thời điểm sớm giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục hô hấp nhanh chóng sau phẫu thuật. Trong phẫu thuật, cần chú ý các vấn đề: gây mê đặt NKQ, nhuyễn sụn khí quản và liệt dây thanh sau mổ.
Bệnh lý bướu giáp chèn ép gây hẹp đường thở là một trong những chỉ định ngoại khoa của bệnh lý bướu giáp. Theo một nghiên cứu của J. M. Findlay, trong số các bệnh nhân được phẫu thuật tuyến giáp, có khoảng 19% bệnh nhân có chèn ép khí quản với đường kính lòng khí quản từ 2 –15 mm, trong đó 6% bệnh nhân có hẹp nặng khí quản với đường kính lòng khí quản < 5 mm [1]. Triệu chứng chèn ép không chỉ ảnh hưởng về lâm sàng đối vối bệnh nhân mà còn là một vấn đề đối với gây mê và hồi sức chu phẫu. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng 33% bệnh nhân bướu giáp có triệu chứng chèn ép [2]. Nghiên cứu của A. Alfonso cho thấy, 1/3 bệnh nhân có bằng chứng hình ảnh học đẩy lệch khí quản không có triệu chứng chèn ép [3]. Mặc dù vậy, về lâu dài việc đẩy lệch hay làm hẹp lòng khí quản sẽ gây ảnh hưởng đến chức năng hô hấp của bệnh nhân. Do đó, chỉ định ngoại khoa điều trị bệnh lý bướu giáp chèn ép khí quản cần được cân nhắc. Chỉ định phẫu thuật đối với bệnh lý này có liên quan chặt chẽ đến việc đặt nội khí quản trong gây mê và vấn đề hô hấp của bệnh nhân sau phẫu thuật. Ngoài ra trong một số trường hợp, bệnh nhân có triệu chứng khó thở do chèn ép có chỉ định đặt nội khí quản hoặc mở khí quản cấp cứu, bướu giáp lớn là một khó khăn khi phẫu thuật cần phải có biện pháp can thiệp hiệu quả nhằm giải quyết tình trạng cấp cứu của bệnh nhân. Chính vì lý do trên, chúng tôi tiến hành nghiên cứu về đặc điểm hô hấp trước và sau mổ bướugiáp chèn ép khí quản.
Nguồn: https://luanvanyhoc.com