Kết quả điều trị rối loạn đông máu rải rác trong lòng mạch
Kết quả điều trị rối loạn đông máu rải rác trong lòng mạch
Nguyễn Chí Thành1, Nguyễn Quang Tùng
1 Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Mục tiêu của nghiên cứu là mô tả kết quả điều trị bệnh nhân rối loạn đông máu rải rác trong lòng mạch tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội giai đoạn 2016 – 2019. Phương pháp nghiên cứu là can thiệp lâm sàng không đối chứng. Kết quả nghiên cứu cho thấy thời gian nằm viện trung bình là 14,89 ngày. Tỷ lệ truyền khối hồng cầu cao nhất (47,06%), truyền khối tiểu cầu (26,49%), tiếp theo là huyết tương tươi đông lạnh (20,59%). Đa số bệnh nhân được sử dụng thuốc chống đông, chiếm 71,43%. Điều trị rối loạn đông máu rải rác trong lòng mạch có hiệu quả với điểm trung bình giảm từ 5,1 xuống còn 4,2, có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Trong đó số lượng tiểu cầu trung bình và tỷ lệ PT% tăng rõ rệt, có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời rối loạn đông máu rải rác trong lòng mạch, phối hợp chặt chẽ điều trị bệnh nền, truyền chế phẩm máu và sử dụng thuốc chống đông hợp lí để nâng cao hiệu quả điều trị.
Đông máu rải rác trong lòng mạch là một hội chứng rối loạn đông máu khá phổ biến và rất nghiêm trọng trong lâm sàng, đặc trưng bởi hiện tượng hoạt hóa quá mức hệ thống đông cầm máu, làm tăng tiêu thụ tiểu cầu và các yếu tố đông máu, dẫn đến hình thành và lắng đọng fibrin ở những mạch máu nhỏ và vừa. Hậu quả chủ yếu của DIC là xuất huyết và gây huyết khối vi mạch ở nhiều cơ quan dẫn tới suy đa phủ tạng.1,2 DIC là một hội chứng thứ phát mắc phải trên nền nhiều bệnh nặng như sốc, nhiễm khuẩn, suy hô hấp, bệnh ác tính, tổn thương não, viêm tụy cấp hay rắn cắn.3,4 Trong nghiên cứu của Balwinger Singh, có khoảng 20% bệnh nhân nhập viện tại đơn vị cấp cứu có DIC (26,2% năm 2004 và 18,6% năm 2010).5Chẩn đoán và điều trị sớm DIC có vai trò quan trọng cải thiện tiên lượng của bệnh nhân. Trong đó, mấu chốt của điều trị DIC là quản lý tối ưu bệnh nền và loại bỏ bệnh nguyên. Điều trị DIC đang còn nhiều bàn cãi và chưa thống nhất, bao gồm liệu pháp chống đông và sử dụng các chất chống tiêu sợi huyết để nhằm ức chế quá trình tiêu sợi huyết.1,2,6Nhằm cung cấp các bằng chứng để giúp các bác sĩ lâm sàng điều trị kịp thời và đầy đủ DIC, “Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và đánh giá kết quả điều trị đông máu rải rác trong lòng mạch tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội giai đoạn 2016 – 2019” được thực hiện nhằm mô tả kết quả điều trị bệnh nhân DIC tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.