Tình trạng dinh dưỡng và một số yếu tố liên quan của bệnh nhân gút tại Bệnh viện Đa khoa Xanh pôn năm 2020 – 2021
Tình trạng dinh dưỡng và một số yếu tố liên quan của bệnh nhân gút tại Bệnh viện Đa khoa Xanh pôn năm 2020 – 2021
Nguyễn Thành Tiến1, Phan Thị Bích Hạnh1, Nguyễn Ngọc Thu, Nguyễn Thị Hương Lan, Nguyễn Thuỳ Ninh
1 Đại học Y Hà Nội
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Nghiên cứu nhằm mô tả tình trạng dinh dưỡng và một số yếu tố liên quan đến tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân gút tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Nghiên cứu mô tả cắt ngang thực hiện trên 73 đối tượng trên 18 tuổi được chấn đoán mắc bệnh gút theo tiêu chuẩn ACR/EULAR 2015 (Hội Thấp khớp học Hoa Kì và Liên đoàn phòng chống thấp khớp Châu Âu), trong thời gian từ tháng 12 năm 2020 đến tháng 3 năm 2021. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 5,5% bệnh nhân có tình trạng thiếu năng lượng trường diễn (BMI – chỉ số khối cơ thể < 18,5), 53,4% bệnh nhân có tình trạng thừa cân/béo phì (BMI ≥ 23). Những đối tượng mắc bệnh mạn tính không lây đi kèm có nguy cơ thừa cân/béo phì cao hơn so với những đối tượng không mắc bệnh (OR = 7,4). Khi đánh giá theo phương pháp SGA, có 15,0% người bệnh có nguy cơ suy dinh dưỡng ở mức độ nhẹ đến vừa (SGA-B), trong đó bệnh nhân nội trú chiếm tỉ lệ cao hơn so với bệnh nhân ngoại trú (31,6% so với 9,3%). Những người bệnh có trên 10 đợt gút cấp/năm có nguy cơ suy dinh dưỡng lớn hơn (OR = 5,6), theo phương pháp SGA.
Bệnh gút là một bệnh viêm khớp do sự tích tụ của các tinh thể monosodium urat trong các khớp hoạt dịch do hậu quả của rối loạn chuyển hóa purin. Các triệu chứng cổ điển được trình bày là viêm khớp đau cấp tính của một vài khớp ngoại vi, trong một số trường hợp, bệnh gút có thể tiến triển thành một bệnh mạn tính dẫn đến đa khớp.1 Do đó, bệnh gút có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người bệnh về tinh thần và sức thể chất.2 Trên toàn thế giới, tỉ lệ mắc bệnh gút đã tăng gấp hai lần trong 20 năm gần đây. Ở các nước phát triển, tỉ lệ dân số được chẩn đoán mắc bệnh gút ngày càng lớn, đặc biệt là Bắc Mỹ và Châu Âu. Cụ thể, tỉ lệ mắc bệnh gút ở người trưởng thành Hoa Kỳ trong năm 2015-2016 là 3,9% (9,3 triệu người).3 Trong báo cáo mới nhất ở Vương quốc Anh năm 2012, có 2,5% dân số mắc bệnh gút, so với năm 1997 tỉ lệ này đã tăng một cách đáng kể.4 Tại Việt Nam, bệnh gút được xếp thứ tư trong nhóm bệnh nhân khớp nội trú điều trị tại Bệnh viện.5Năm 2000, Tạ Diệu Yến và các cộng sự đã bước đầu điều tra mối liên quan giữa chế độ ăn uống và nguy cơ mắc bệnh gút tại Bệnh viện Bạch Mai. Kết quả nghiên cứu cho thấy 75% bệnh nhân gút ở Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên uống rượu, bia. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống không cân bằng và phương pháp nấu nướng cũng được coi là yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến các đợt cấp của bệnh gút. Chế độ ăn nhiều purine có tác động trực tiếp đến tăng axit uric máu và sự tiến triển của bệnh gút.
https://thuvieny.com/tinh-trang-dinh-duong-va-mot-so-yeu-to-lien-quan-cua-benh-nhan-gut/